Phát triển vận tải vùng trung du và miền núi phía Bắc theo hướng hiện đại, đồng bộ
Theo đó, kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ.
Đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ngành giao thông vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các vi phạm luật giao thông.
Một trong những giải pháp mà kế hoạch đưa ra là phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics gồm: Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics.
Ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao.
Bên cạnh đó, kế hoạch nêu rõ, tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải.
Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải cũng nêu rõ: Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động vận tải của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, các quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện, các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định. Kiên quyết xử lý các phương tiện không đảm bảo các điều kiện về đăng ký, đăng kiểm để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải; xử lý nghiêm các vi phạm về tải trọng xe, việc quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình xe, việc cấp và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải...
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về hoạt động vận tải trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp vận tải, người dân; đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với những trường hợp thực hiện không nghiêm túc quy định về tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị…/.