'Hiến kế' thúc đẩy thương mại miền núi và vùng sâu vùng xa
Sáng ngày 16/9, Vụ Thị Trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022” nhằm thảo luận giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng sâu, vùng xa.
Tại hội nghị, ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chia sẻ, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là những địa bàn tập trung nhiều vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian qua, các chính sách phát triển các vùng khó khăn bước đầu mang lại những kết quả tích cực, các ngành kinh tế địa phương như thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đều phát triển so với trước đây. Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng quan điểm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng trên thực tế, tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo rất lớn. Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Ông Đông nhấn mạnh: “Để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của khu vực này, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền”.
Để tháo gỡ những khó khăn trong thúc đẩy thương mại sản phẩm nông nghiệp vùng sâu vùng xa, các ý kiến cho rằng cần sự đồng lòng của nhà nước, doanh nghiệp và địa phương.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp (Cục Công thương địa phương, Bộ công thương) đề xuất: “Trước hết, muốn phát triển được thương mại nông thôn, miền núi, thì chúng ta phải phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa tại các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo... có chất lượng, hiệu quả”.
Trong những năm qua, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo được triển khai. Một trong các chính sách đó phải kể đến là chính sách "khuyến công".
Trong giai đoạn 2014-2020, chính sách khuyến công đã mang đến nhiều thay đổi tích cực. Cụ thể, chính sách này đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho 18.400 lao động; đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên; hỗ trợ xây dựng 273 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ cho 998 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại.
Bà Hương nhấn mạnh, trong những năm tới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình khuyến công để hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị và chất lượng đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ngoài nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa và dịch vụ, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
“Các hoạt động kết nối cần được triển khai từ địa phương đến Trung ương, từ các Sở Công Thương cho đến các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề, các tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp với nhiều hình thức online và offline linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn; Không chỉ tại thị trường trong nước mà còn kết nối online để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản để tiếp tục thu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn”, bà Hương nói và chỉ ra, “Thời gian qua, hàng triệu tấn nông sản đã được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như tỉnh Bắc Giang, đã tiêu thụ được hàng trăm tấn vải thiều trong tình huống khó khăn nhất, kể cả dịch bệnh cũng như tình huống đóng biên biên giới khi đường tiểu ngạch đi khó khăn”.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản miền núi và vùng sâu vùng xa cũng cần được chú trọng bên cạnh công tác xây dựng hệ thống phân phối bài bản, có tính điều phối vùng miền.
Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, cần tập trung vào điểm mới đó là kết nối cho doanh nghiệp phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Bước đầu hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.