Phê duyệt báo cáo tác động môi trường đường sắt đô thị tuyến 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

19:35 | 25/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù chậm tiến độ 12 năm, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án "Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo".
 
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (chủ dự án) có trách nhiệm niêm yết công khai quyết định phê duyệt ĐTM theo quy định pháp luật và thực hiện nghiêm túc nội dung ĐTM đã được phê duyệt.
 
Quyết định phê duyệt ĐTM của dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường của dự án này.
 
Tác động môi trường đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo (tuyến số 2).
 
Dự án có tổng chiều dài tuyến 11,5km gồm 8,9km đoạn đi ngầm và 2,6km đoạn đi trên cao. Điểm đầu tại Nam Thăng Long (Khu đô thị mới Ciputra) theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - điểm cuối giao với phố Nguyễn Du.
Khu Depot có diện tích khoảng 17,5ha thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Trong văn bản gửi tới Quốc hội vào tháng 10 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/2008, với tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng (dự án nhóm A). Trong quá trình thực hiện, dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.678 tỷ đồng; nguồn vốn sử dụng là ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước.
 
Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015, theo tiến độ ban đầu sẽ khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh gì.
 
Theo Nghị định số 131/2015 của Chính phủ hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc diện phải báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia.
 
Cuối năm 2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 11547/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục giám sát dự án; chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan chuẩn bị báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án.
 
 
Theo Dân trí