VDSC: Thị trường giá lên vẫn đang chờ đợi các điều kiện đủ, tháng 6 chưa phải thời điểm 'all-in'

Diên Vỹ 15:07 | 07/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường trong bối cảnh trần lãi suất huy động ngắn hạn liên tục điều chỉnh giảm ba tháng trở lại đây, nhóm phân tích VDSC cho rằng mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp, do đó khó kỳ vọng chỉ số VN-Index tiến xa hơn quá nhiều trong tháng 6. VDSC đồng thời khuyến nghị NĐT: đây chưa phải là thời điểm tốt để “all in”.

 

 VN-Index khó bứt phá thực sự trong tháng 6

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 mới cập nhật, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhấn mạnh quan điểm đầu tư trong tháng này tiếp tục là thận trọng sau tháng 5 hứng khởi. 

Theo đó, trong tháng 5, nhóm phân tích nhận định thị trường tiếp tục phục hồi với thanh khoản liên tục được cải thiện nhờ những động thái tích cực từ NHNN. Tuy nhiên dòng tiền vẫn có mức độ tập trung khá cao vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, và có vẻ “phớt lờ” nhóm vốn hóa lớn như trong phần lớn quãng thời gian từ đầu năm tới nay. Điều này khiến cho xu hướng chính của thị trường – dao động đi ngang trong biên độ 1.010 đến 1.080 - vẫn chưa thực sự thay đổi đến hết tháng 5. 

Trong bối cảnh động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đã có những tác động tích cực ban đầu lên thanh khoản của thị trường vốn, trong tuần đầu tháng 6, giá trị khớp lệnh đã đạt gần 70 nghìn tỷ, cải thiện so với mức bình quân tuần của tháng 4- 5/2023 là 46 nghìn tỷ. Xét trong tương quan với mặt bằng lãi suất, mức thanh khoản và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay có phần tương đồng với giai đoạn đầu quý IV/2022. Tuy nhiên, dòng tiền còn tập trung ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, do đó, VN-Index chưa thực sự bứt phá về mặt điểm số.

 Nguồn: VDSC

 Nguồn: VDSC

Xét thấy mức độ lan tỏa của dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn còn khá thấp do lo ngại các yếu tố nội tại của phần lớn các doanh nghiệp này chưa thực sự phục hồi rõ rệt trong quý II dựa trên các chỉ báo dẫn dắt của vĩ mô, VDSC bày tỏ quan điểm không kỳ vọng thị trường có thể tiến xa hơn quá nhiều về mặt điểm số trong tháng 6 này. 

Trong khi đó, tình hình vĩ mô cũng cho thấy các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Chính phủ và NHNN trong thời gian qua đã và đang sử dụng gần như tất cả các công cụ để hỗ trợ môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VDSC đánh giá bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá hiện tại vẫn đang khá lành mạnh, tuy nhiên các dữ liệu kinh tế vẫn cho thấy nhiều thách thức với mục tiêu tăng trưởng năm nay.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm đạt 262,5 tỷ USD, giảm 14,7 % so với cùng kỳ trong khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) - một chỉ báo quan trọng của lĩnh vực sản xuất - trong tháng 5 tiếp tục ở dưới mốc 50 điểm, cho thấy triển vọng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn còn khá ảm đạm. Cầu tín dụng vẫn còn tương đối yếu, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng còn khá chậm trong tháng hai tháng gần nhất và thanh khoản thị trường 2 vẫn dư thừa khi lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm. Nguyên nhân chính là do thực trạng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn cũng như các hoạt động sản xuất, thương mại còn khá ảm đạm, kéo theo thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, phía ngân hàng dường như cũng đang thận trọng hơn trong việc cho vay lo ngại rủi ro nợ xấu (vốn đã tăng nhanh trong vài quý gần đây), trong bối cảnh tổng huy động thấp hơn tổng tín dụng, báo cáo của VDSC nhận định.

Với những tín hiệu như vậy, nhóm phân tích cho rằng VN-Index nhiều khả năng dao động trong khoảng 1.060-1.120 điểm trong tháng 6 khi mà thị trường giá lên vẫn đang chờ đợi các “điều kiện đủ” đến từ các tín hiệu cho thấy nền kinh tế trong nước thực sự “thẩm thấu” các chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính hỗ trợ vừa qua, kết hợp với triển vọng tích cực hơn từ vĩ mô thế giới.

“Thời điểm hiện tại vẫn còn quá sớm để nói rằng nền tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng. Chúng tôi cho rằng thị trường nhiều khả năng tiếp tục xu hướng chính là đi ngang đến khi các tín hiệu rõ ràng hơn cho thấy (1) sự “hấp thụ” của những chính sách hỗ trợ lên nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu được cải thiện, kéo theo tăng trưởng tín dụng và (2) bức tranh lạm phát thế giới dần hạ nhiệt, cùng sự phục hồi của sức mua và dòng thương mại của Việt Nam”, báo cáo nhận định.

Chưa phải cơ hội tốt để “all-in”

Trải qua tháng 5 hứng khởi khi thanh khoản cải thiện tháng thứ hai liên tiếp và tỷ lệ cổ phiếu tăng giá chiếm đến gần 80%; VDSC lưu ý nhà đầu tư rằng các diễn tiến tích cực này diễn ra trên 3 nền cơ bản: Các thông tin hỗ trợ tích cực liên tục được đưa ra; mức sử dụng đòn bẩy còn đang rất thấp và cuối cùng là bức tranh vĩ mô, đặc biệt trong quý II/2023, sẽ chưa có nhiều điểm sáng.

Cho rằng các chỉ số thị trường sẽ hướng đến chinh phục trở lại vùng đỉnh thiết lập vào đầu năm (1.100 điểm với VN-Index) trong tháng 6, nhóm phân tích đồng thời duy trì quan điểm xu hướng trung hạn là tích lũy khi thiếu sự hậu thuẫn của nền tảng vĩ mô và dòng tiền từ NĐT nước ngoài.

“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua – bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để “all in”. Và do đó, tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục”, báo cáo của VDSC cho hay.

Nhận định ẩn số vĩ mô đã khiến nhóm cổ phiếu đầu ngành (với đại diện VN30) kém khả quan hơn so với các nhóm cổ phiếu còn lại, VDSC tin rằng với nền tảng kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp này sẽ “bật dậy” nhanh chóng khi khó khăn qua đi. Do đó, nhóm khuyến nghị NĐT có thể tiếp tục tích lũy các cổ phiếu thuộc nhóm này cho danh mục dài hạn.

Cùng đó, trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý I/2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận dự kiến sẽ được quan tâm khi mà các doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý II/2023. Với chỉ số sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI chưa có nhiều cải thiện đến nay, nhóm phân tích không kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý II của doanh nghiệp, song tin rằng các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý I mà vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý II khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành như Điện, Ngân hàng, Dệt may, Dầu khí và Hàng không.