Phiên họp thứ 3 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết  định những nội dung quan trọng nào?

06:40 | 23/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau 8 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, Phiên họp thứ 3 đã hoàn thành chương trình đề ra để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp Quốc hội và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 8 ngày làm việc tích cực, hiệu quả, khẩn trương và tập trung cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình Phiên họp thứ ba, trong đó có điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung quan trọng và cấp bách. Đây là phiên họp thường kỳ dài nhất trong năm, tập trung xem xét rất nhiều nội dung quan trọng, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ hai, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Qua quá trình phân tích, thảo luận kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất làm rõ được những vấn đề đồng tình, được chuẩn bị kỹ, đủ điều kiện trình Quốc hội và những nội dung cần tiếp tục được bổ sung hoàn thiện; xem xét và quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Năm dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội

Tóm tắt những kết quả chính, Chủ tịch Quốc hội cho biết, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe, cho ý kiến 6 dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao, tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này. Đây cũng là thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nói riêng…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Qua thảo luận, 5/6 dự án luật được cho ý kiến tại phiên họp đủ điều kiện để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ hai.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Mục đích là sớm thể chế hóa các cam kết của Việt Nam đối với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Riêng với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, tại phiên họp, ngoài thảo luận góp nhiều ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án này theo hướng bên cạnh phụ lục về các chỉ tiêu thống kê, rà soát để có thể đề xuất với Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số vấn đề hết sức quan trọng như: cách tính quy trình thẩm quyền trong tính toán phân bổ các chỉ tiêu thống kê địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, GRDP, bình quân đầu người; bổ sung những nội dung liên quan đến việc điều chỉnh nội hàm khi điều chỉnh lại tổng lượng GDP… Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến lại nội dung này vào Phiên họp tháng 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp này, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, tập trung nâng cao chất lượng các dự án luật thêm một bước nữa, đảm bảo tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội; để sau khi ban hành các luật này sẽ tạo hành lang pháp lý và chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực như kinh doanh điện ảnh, bảo vệ thành quả trí tuệ của hoạt động lao động sáng tạo…; quan tâm rà soát bảo đảm các nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên và tính khả thi trên thực tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2021; kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội khóa XIV; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tính đến 8/2021.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2021 là năm các cơ quan các cấp, các ngành phải tập trung chuẩn bị, thực hiện rất nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng, sau Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là tổng kết nhiệm kỳ, tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, công sức và thời gian cho công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần quyết tâm rất cao, cùng tinh thần làm việc sáng tạo, đổi mới, các cơ quan đã cơ bản hoàn thành nội dung được giao. Một số nội dung công tác đạt kết quả tốt so với trước…

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, về cơ bản các báo cáo trình tại phiên họp có chất lượng tốt, thể hiện chuyển biến tích cực trong hoạt động được nêu cũng như những nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm và sự quyết liệt của các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ…

Bên cạnh đó, các báo cáo, nhất là các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tham dự các phiên họp cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan, đề  xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các báo cáo thẩm tra có cách tiếp cận mới, có nhiều nội dung đánh giá phong phú, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, đảm bảo khách quan, toàn diện và kỹ lưỡng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cần thiết để khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhất là đối với việc sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo mục tiêu là người dân thực sự được thụ hưởng, đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của vùng và tinh thần tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ triển khai quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát của các chuyên đề thuộc nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022, có 4 chuyên đề quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc từ rất sớm của lãnh đạo Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban, nhất là những cơ quan được phân công, cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ. Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Tổng Thư ký Quốc hội, Trưởng các đoàn có trách nhiệm hoàn thiện phê duyệt những kế hoạch này để tổ chức triển khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau khi triển khai nếu cần thiết sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để vừa triển khai, vừa đôn đốc thực hiện các chương trình giám sát. Kiểm toán Nhà nước tham gia giám sát. 63 Đoàn đại biểu Quốc hội được huy động; HĐND các tỉnh, thành phố được hướng dẫn, chỉ đạo để cùng tổ chức giám sát.

“Đổi mới công tác giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là một trọng điểm trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Bốn nội dung lớn được xem xét, quyết định ban hành nghị quyết

Về các nội dung quyết định theo thẩm quyền, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; về đề án an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; về kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định ban hành nghị quyết với sự thống nhất và đồng thuận rất cao về các nội dung lớn:

Một là, việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Hai là, phương án sử dụng nguồn cắt giảm tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách Trung Ương năm 2021 để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Ba là, nghị quyết về thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Bốn là, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp Văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa Trọng tài Thường trực PCA và đề nghị các của Tòa án nhân dân về phiên tòa trực tuyến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ hai của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội đã hoàn thiện dự kiến nội dung chương trình kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội cùng với triệu tập Kỳ họp thứ hai. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch luôn phải được đặc biệt quan tâm, có dự lường các tình huống có thể xảy ra để đảm bảo phương án xử lý kịp thời theo tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cho biết từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ hai chỉ còn một phiên thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để rà soát, cho ý kiến các nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội; lưu ý thời gian không còn nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục cố gắng hơn nữa, tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị các nội dung, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV sẽ có chất lượng, có kết quả tốt hơn.