Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa
Chương trình nghị sự của kì họp
Phiên họp dự kiến diễn ra từ ngày 13-9 đến 22-9. Theo chương trình, 6 dự án luật sẽ được cho ý kiến gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Cảnh sát cơ động và Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho kiến vào nhiều báo cáo quan trọng Chính Phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước trình, như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022; Báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021).
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Liên quan nội dung giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021”.
Những điểm nổi bật trong dự thảo
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hoá bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành, thực sự là động lực để Thanh Hóa thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
Với mức dư nợ vay 20% theo quy định hiện hành (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của Tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12/2021 của Tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng. Nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của Tỉnh là 7.909 tỷ đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho tỉnh Thanh Hóa có thêm dư địa được vay là phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho phép chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu vay lại vốn nước ngoài cho 13 dự án ODA trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến 12.287 tỷ đồng và nhu cầu vốn vay lại 2.707 tỷ đồng.
Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn trần nợ công của cả nước, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tạo điều kiện cho Tỉnh có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động vốn đầy đủ là phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của địa phương, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bền vững nợ công.
Tại dư thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất như sau:
Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước: Tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
Về quản lý đất đai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Quốc hội đã đồng ý cho một số thành phố lớn áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng tăng mức dư nợ vay như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội không vượt quá 90%. Riêng thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, trong đó cũng đề xuất cho Đà Nẵng được tăng mức dư nợ vay lên mức 60%. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đề xuất chính sách này là phù hợp với chỉ đạo tại Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hoá bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước.
Mục tiêu phát triển Thanh Hóa
Giai đoạn 2021 - 2025
Bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 11% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 9,6%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 10% trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 750.000 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; 17 đơn vị cấp huyện, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%, trong đó 65% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đạt 90%.
Giai đoạn 2026 - 2030
Bình quân hằng năm, tốc độ tăng trưỏng GRDP đạt 9,2% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động đạt trên 8,1%; thu ngân sách trên địa bàn tăng 7% trở lên. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 900.000 tỷ đồng trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% trở lên; 100% đơn vị cấp huyện, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%, trong đó 75% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đạt 95%.