Phó Chủ tịch Hội DNTNVN: Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích công nghệ nhiệt điện mặt trời

08:55 | 17/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhấn mạnh sự tối ưu từ công nghệ nhiệt điện mặt trời, Phó Chủ tịch Hội DNTNVN Nguyễn Quang Huân, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam khuyến nghị Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích công nghệ nhiệt điện mặt trời
Theo Phó Chủ tịch Hội DNTNVN Nguyễn Quang Huân, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, các dự án điện mặt trời đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Chủ tịch Hội DNTNVN: Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích công nghệ nhiệt điện mặt trời - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hội DNTNVN Nguyễn Quang Huân,
Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam
 
Quy hoạch điện VII cho thấy, đến năm 2020, điện gió và điện than đều không đạt quy hoạch, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ bị thiếu năng lượng cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tăng trưởng điện năm 2020 không cao như các năm trước, nhưng nếu chúng ta không có điện mặt trời để bù lại sẽ thiếu hụt điện, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, vì điện than và điện gió chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 70% so với kế hoạch.
 
Còn về nguồn điện mặt trời thì đến cuối năm 2020, tổng công suất các nguồn điện mặt trời đạt đến khoảng 18.000 MW, gấp 8-9 lần công suất nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đây chỉ là công suất nhà máy, còn nhà máy thủy điện có khả năng phát điện 24/24 thì lượng điện sản xuất ra sẽ nhiều hơn so với nhà máy điện mặt trời (chỉ hoạt động 5-6 tiếng/ngày).
 
Ông Nguyễn Quang Huân khẳng định: Điện mặt trời ưu việt hơn so với các nguồn năng lượng khác rất nhiều, đặc biệt là so với nhiệt điện than như có thể cải thiện chất lượng không khí, thân thiện với môi trường, tận dụng được tài nguyên sẵn có của mặt trời, không bị hao phí, lãng phí...
 
“Vì vậy, theo tôi chúng ta nên tiếp tục phát triển năng lượng mặt trời để có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và nếu có chính sách tốt sẽ thu hút được càng nhiều nhà đầu tư với tiềm năng đầu tư rất lớn”, ông Huân nói.
 
Phó Chủ tịch Hội DNTNVN Nguyễn Quang Huân chia sẻ tâm đắc của mình về là công nghệ nhiệt điện mặt trời.
 
Đây là một công nghệ rất hay vì công nghệ điện mặt trời của Việt Nam hiện nay đang làm gọi là quang điện mặt trời- chỉ phát điện 5-6 tiếng ban ngày nhưng không phát ban đêm. Còn công nghệ nhiệt điện mặt trời có khả năng thu năng lượng từ mặt trời, rồi tạo thành nhiệt, nhiệt nung nóng làm quay tua bin phát điện, công nghệ này có thể phát điện 24/24.
 
“Khi chúng tôi sang Israel nghiên cứu thì các nhà đầu tư, các nhà công nghệ Israel còn cam kết rằng có thể lưu trữ được nhiệt trong vòng ba tháng chứ không phải là chỉ phát trong một ngày. Chúng tôi đang nghiên cứu về công nghệ này nhưng không may là đến cuối năm 2019, khi định mời chuyên gia Israel sang để làm thí điểm một dự án tại miền Trung thì gặp dịch COVID-19 bùng phát, họ vẫn chưa sang được, tôi rất kỳ vọng khi chúng ta áp dụng hộ chiếu vaccine trong thời gian tới thì họ sẽ có thể tiếp tục sang được Việt Nam để nghiên cứu, thử nghiệm”, ông Huân chia sẻ.
 
 
 Phó Chủ tịch Hội DNTNVN: Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích công nghệ nhiệt điện mặt trời - ảnh 2
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Lễ khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Hậu Giang do công ty CP Halcom Việt Nam làm chủ đầu tư vào 3.2021
 
Theo ông Huân, nếu Việt Nam thực hiện được công nghệ này thì đây là một bước tiến lớn trong phát triển năng lượng quốc gia, vì ngoài việc phát điện 24/24, công nghệ này còn giúp làm giảm tình trạng quá tải cục bộ cho lưới điện quốc gia vào ban ngày, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn thời điểm phát điện, không khác gì nhiệt điện than bình thường mà còn không gây hại cho môi trường.
 
“Chính phủ nên ưu tiên, khuyến khích cho công nghệ nhiệt điện mặt trời. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA). Nếu chúng ta làm sớm được điều này thì vô cùng tốt, bởi vì người mua, người bán có thể mua bán trực tiếp với nhau và không cần phát điện  lên lưới, giảm áp lực cho hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ phải kiểm soát giá mua, bán để không bị thất thoát thuế và cũng không có sự cạnh tranh bất bình đẳng. Thậm chí, nếu có thể mua bán điện trực tiếp còn có thể thu hút đầu tư của một số vùng tuy không có ưu thế về nông nghiệp nhưng có nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể xây dựng nhà máy sản xuất điện ở đó, làm phát triển kinh tế cho cả địa phương’, Phó Chủ tịch Hội DNTNVN khuyến nghị.
 
Minh Hoa