Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày 10/11

Hà Lan 08:14 | 28/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP.Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác.

Sớm bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội

Tại buổi làm với Bộ GTVT ngày 27/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, dù công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch mới là nhiệm vụ khó khăn, nhưng đến nay Bộ GTVT đã “đi trước” các Bộ, ngành trong lĩnh vực này, đã hoàn thành và được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua cả 5 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thủy).

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt các quy hoạch mạng lưới đường sắt, đường bộ, cảng biển…. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 5 năm tới.

Trong giai đoạn tới, một trong những đột phá được xác định là hạ tầng giao thông. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ GTVT rất lớn mà theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, tới năm 2025, phải hoàn thành 2.000km cao tốc cũng như hoàn thành các cảng hàng không, cảng biển…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì buổi làm việc.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ 5 quy hoạch ngành quốc gia sau khi đã phê duyệt cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; công bố công khai, thông tin tuyên truyền rộng rãi và có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, từ đó, các địa phương chủ động trong thu hút đầu tư, tạo ra nguồn lực rất lớn, góp phần thay đổi diện mạo đất nước.

“Bây giờ có quy hoạch cảng nhưng không có nhà đầu tư vào thì cũng không được khi mà chúng ta chủ yếu sử dụng hình thức PPP, hoặc nhà đầu tư tư nhân đầu tư trực tiếp”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý Bộ GTVT cần đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với chiều dài khoảng 750 km. Theo đó, cần rút kinh nghiệm trong triển khai các đoạn tuyến giai đoạn 2017-2021 trong công tác mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.

“Cần đưa rõ mốc hoàn thành dự án như một tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Chủ động ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào công tác tư vấn, thiết kế, chuẩn bị đầu tư để rút ngắn công đoạn này. Mục tiêu là phải khởi công toàn tuyến trước 31/12/2022, hoàn thành trước tháng 6/2025”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho thành phố Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Bộ GTVT hỗ trợ Hà Nội, TPHCM đẩy nhanh tiến độ, triển khai mới thêm các tuyến đường sắt đô thị, phấn đấu từ nay đến năm 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến.

Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ GTVT thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, làm sao có thể khánh thành vào năm 2025 như mục tiêu đề ra.

Dự án còn một số tồn tại về chất lượng 

Liên quan đến thời gian vận hành của tuyến Cát Linh-Hà Đông, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết đến tháng 8/2018 dự án đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và từ tháng

Tháng 12/2018, tổng thầu tiến hành căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm theo biểu đồ chạy tàu vào cuối năm 2019. Đến tháng 5/2021, liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc (tư vấn ACT) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án này sau thời gian tiến hành đánh giá từ năm 2018.

Qua quá trình đánh giá, nghiệm thu, Bộ GTVT cho biết phần xây dựng của dự án có một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn kèm theo các giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.

Từ tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án Cát Linh - Hà Đông.

"Công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án. Toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước. Bộ GTVT kiến nghị hội đồng xem xét, có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu để đưa dự án vào khai thác" - ông Đông nói.

Ông Đông cho biết thêm bộ này đã tổ chức nghiệm thu toàn bộ 11 công trình thành phần của dự án, trên cơ sở đó nghiệm thu tổng thể, nghiệm thu hoàn thành. Theo ông, hiện hội đồng đang kiểm tra, rà soát thủ tục.

"Các yêu cầu hội đồng đặt ra chủ yếu làm rõ câu chữ trong các nội dung liên quan. Dự kiến hội đồng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu vào cuối tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của hội đồng, Bộ GTVT sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác".

 

Chưa hoạt động nhưng đã phải trả nợ vay gần 10 triệu USD

Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa đưa vào khai thác được nhưng vừa qua Bộ Tài chính đã phải trích quỹ trả nợ gốc khoản vay. Theo Bộ Tài chính, dự án sử dụng vốn vay từ 3 hiệp định vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, tổng giá trị vay là 690,62 triệu USD.

Cụ thể, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Ban quản lý dự án đường sắt ký hợp đồng vay lại đối với phần vốn vay nước ngoài để thực hiện các hạng mục liên quan tới khai thác, vận hành kinh doanh vận tải của dự án.

Về nguyên tắc, Bộ GTVT có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại và các khoản phí liên quan trong giai đoạn xây dựng cho tới khi hoàn thành bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khoản cho Bộ GTVT vay lại để thực hiện dự án đang gặp vướng mắc về trả nợ nên Bộ Tài chính phải ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả thay cho dự án.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí vốn để trả nợ. Tuy nhiên đến nay, Bộ GTVT vẫn chưa được bố trí vốn để trả nợ gốc. Do vậy Bộ Tài chính đã phải ứng quỹ tích lũy để trả nợ thay cho dự án theo cam kết hiệp định.

Theo quy định của Luật quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn, về phần vay lại, chủ dự án là Bộ GTVT phải có trách nhiệm bố trí vốn để hoàn trả Bộ Tài chính. Thực tế từ khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ đối với phần vay lại, Bộ GTVT mới bố trí trả 398,043 tỷ đồng nợ gốc. Phần còn phải hoàn trả Bộ Tài chính là nợ gốc là 227,3 tỷ đồng và gốc cộng lãi quá hạn là 38,37 tỷ đồng.

Để đảm bảo thực hiện theo đúng Luật quản lý nợ công, được biết Bộ GTVT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "trả nợ gốc các khoản vay lại của các hiệp định vay của dự án" để có nguồn hoàn trả nợ cho Bộ Tài chính và thực hiện các thủ tục để bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội.