Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo xử lý đề xuất áp sàn giá vé máy bay

07:31 | 04/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý về việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa.

Trong văn bản số 7116/VPCP-CN ngày 2/10 của Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo liên quan đến thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay.

Trước đó, theo phản ánh, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Cụ thể, giá vé máy bay tối thiểu sẽ bằng 20% mức giá tối đa quy định cho các chuyến bay từ 1/11 năm nay đến hết tháng 10/2022. Các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 320.000 đồng/vé; các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng… 

Nếu chính sách khung giá này được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Điều này đồng nghĩa hành khách sẽ không được lợi từ các chương trình giảm giá vé.

Về các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.

Mới đây, các hãng hàng không Việt Nam đã bất đồng quan điểm về việc áp sàn giá vé máy bay.

Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư quy định khung giá vé máy bay nội địa. Trong báo cáo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay, các hãng hàng không hiện chia làm 2 nhóm, 1 nhóm ủng hộ, 1 nhóm phản đối.

Nhóm ủng hộ gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways, nhóm này nhất trí với đề xuất áp giá sàn khi cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Trường hợp áp dụng mức giá tối thiểu theo đề xuất của Cục Hàng không, doanh thu của Vietnam Airlines năm 2019 tăng thêm 20 tỷ đồng, năm 2020 tăng thêm 390 tỷ đồng và sáu tháng đầu năm 2021 tăng thêm 270 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu của Pacific Airlines trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng thêm 338 tỷ đồng.

Phía Bamboo Airways, hãng hàng không này cho rằng mức giá tối thiểu hợp lý sẽ là công cụ điều tiết tốt cho công tác bán của hãng, tác động tích cực đến doanh thu đường bay trên cơ sở vẫn đảm bảo sức mua của thị trường.

Còn 2 hãng phản đối là Vietravel Airlines và Vietjet. Các đơn vị này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Cụ thể, Vietravel Airlines đánh giá áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn. Các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu. Hãng đề xuất cân nhắc áp dụng mức giá sàn riêng biệt cho từng loại hình kinh doanh (hàng không truyền thống và giá rẻ).

Phía Vietjet Air cho rằng chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không; không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19 kết thúc.

Cục Hàng không cũng cho hay đề xuất áp giá sàn vé máy bay mang tính tình huống, áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.

Cục này cũng thừa nhận việc áp giá sàn cũng tồn tại các bất cập, hạn chế của chính sách là chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không.

Theo Cục Hàng không, chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng Hà Nội - TP.HCM năm 2019 (không chịu ảnh hưởng dịch COVID-19) của 4 hãng (Vietjet không có số liệu báo cáo) là: Pacific Airlines 1,402 triệu đồng, Vietravel Airlines 1,440 triệu đồng (số liệu ước tính do năm 2019 chưa bay), Vietnam Airlines 1,539 triệu đồng, Bamboo Airways 1,662 triệu đồng.

Từ đó, Cục Hàng không nhận định với mức chi phí bình quân của các hãng là 1,511 triệu đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa hiện hành thì mức giá sàn 20% mà cơ quan này đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân của hãng hàng không là phù hợp.

Mức giá sàn bằng 20% giá tối đa sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ (giá phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh), chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho 1 vé 1 chiều chặng Hà Nội - TP.HCM là 824.000 đồng. Số tiền này xấp xỉ mức giá ghế ngồi mềm điều hòa của tàu hỏa và ngang bằng giá vé ô tô.

Cục Hàng không cho rằng khung giá sàn và trần tại dự thảo Thông tư vẫn tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không Quốc gia).

Ngoài ra, các hãng có thể tồn tại, duy trì hoạt động thì ngành hàng không mới có điều kiện để phát triển bền vững, tạo tiền đề cho các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế trong tương lai.

Giá vé thấp ảnh hưởng đến an toàn hàng không?

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines khẳng định, vé máy bay giá thấp làm ảnh hưởng an toàn hàng không tại buổi toạ đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia kinh tế ngày 27/9 của Văn phòng Quốc hội. 

Ông Hoà cho biết, hiện giá vé máy bay chỉ còn khoảng 40% so với giai đoạn 2018-2019, do tất cả các hãng đều không bay được. Việt Nam có 250 máy bay đang đậu ở tất cả các sân bay, thậm chí nhiều sân bay không còn chỗ đậu.

Giá vé máy bay trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay đang rất thấp, các hãng vẫn phải bay vì "nếu không sân bay hết chỗ đậu, máy bay hỏng và để có ít dòng tiền trợ giúp hãng hàng không".

Với mức giá vé máy bay thấp hiện nay, theo ông Hoà, cũng làm ảnh hưởng tới an toàn hàng không trong khi ngành này cần tiêu chuẩn cực kỳ cao. "Nếu các hãng hạ giá vé thấp hơn cả giá xăng dầu cho một chuyến bay sẽ ảnh hưởng tới chi phí an toàn hàng không, nguy cơ sự cố an toàn hàng không và ảnh hưởng tới quốc gia", ông Hoà nói thêm.

Chủ tịch Vietnam Airlines dẫn chứng trường hợp Indonesia, việc một số hãng hàng không nước này hạ giá vé máy bay xuống thấp đã bị phía châu Âu, Mỹ cấm vận bay và sau khi có một số tai nạn, nước này phải đưa ra mức giá vé máy bay không quá thấp để đảm bảo an toàn hàng không.

Lý do nữa được Chủ tịch Vietnam Airlines nêu, là hạ giá vé máy bay khiến cho "tất cả các hãng hàng không đều yếu". "Chúng tôi rất lo ngại sau khi dịch phục hồi thì sức khỏe của các hãng hàng không không đủ để cạnh tranh với nhau, chứ chưa nói gì chuyện ra khu vực và quốc tế", ông nhấn mạnh.

 

Không công bằng khi áp giá sàn

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nói chính sách áp giá sàn vé máy bay gây hoang mang, tạo sự không đồng thuận, thậm chí vi phạm Luật Giá, Luật Doanh nghiệp. Việc này sẽ dẫn tới thiếu công bằng cho doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Còn TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng "không công bằng nếu áp giá sàn vé máy bay".

Ông nêu, nếu áp giá sàn vé máy bay thì một hãng hàng không 3 sao phải bán giá như hãng 5 sao. Như vậy sẽ không khách hàng nào bỏ tiền mua vé của hãng 3 sao. "Rõ ràng nếu hàng không áp giá như vậy thì bằng chính sách chúng ta có thể giết chết một hãng hàng không. Không thể như vậy được", ông Dũng nêu vấn đề.