Giá trần vé máy bay được đề xuất tăng bao nhiêu?

Đông Bắc 07:56 | 13/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ GTVT đề xuất tăng giá trần vé máy bay từ 50.000 đồng cho tới 25.000 đồng so với giá hiện hành tại các đường bay từ 500 Km trở lên, các đường bay phát triển kinh tế - xã hội và dưới 500 Km giữ nguyên giá trần như hiện tại.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hiện đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Trong đó, giá trần vé máy bay của một số chặng bay được đề xuất tăng so với giá hiện hành.

Theo Dự thảo thông tư, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư số 17/2019. 

Tăng thêm tối đa 250.000 đồng

Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác có chiều dài dưới 500 Km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.

Với các đường bay từ 500 Km đến dưới 850 Km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng so với quy định hiện hành.

Với nhóm đường bay từ 850 Km đến dưới 1.000 Km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với trần vé máy bay hiện tại.

Ở chặng bay dài từ 1.000 Km đến dưới 1.280 Km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.

Với chặng bay trên 1.280 Km, mức giá trần là 4 triệu đồng, cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành.

Mức giá này bao gồm toàn bộ thuế phí, các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.

Nhiều kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay

Trước đó, tại Nghị trường Quốc hội, nhiều Đại biểu đã đề xuất bỏ giá trần vé máy bay. Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. nếu để giá trần, giá sàn sẽ không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng XII.

Bên cạnh đó, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, đảm bảo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

ĐBQH Tạ Văn Hạ cũng cho rằng vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Với đường sắt, chỉ có một doanh nghiệp độc quyền nhưng không quy định giá trần, giá sàn, trong khi hàng không có tới 6 hãng và không có tuyến hàng không độc quyền.

Tuy nhiên, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại cho rằng, việc giữ quy định về giá trần, bỏ giá sàn là cần thiết. Trong đó, việc bỏ giá sàn là để tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh, giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp,...

Đối với quy định giá trần, cần giữ bởi dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa đáp ứng tiêu chuẩn là dịch vụ do Nhà nước định giá. Đây là hàng hoá dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ trong đó có giá vé máy bay ở mức cao ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, báo cáo cho hay. Trường hợp nhận thấy giá trần chưa phù hợp thì các hãng hàng không có thể kiến nghị Chính phủ điều chỉnh.