Phố Wall phục hồi khi thị trường điều chỉnh theo lộ trình tăng lãi suất của FED

09:23 | 23/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau một tuần náo động vì FED, các nhà đầu tư quay trở lại với những giao dịch 'tăng phát' - tăng sản lượng sản xuất, kích thích chi tiêu và hạn chế ảnh hưởng của giảm phát vì lo ngại về tăng trưởng kinh tế giảm dần.

Ngày 21/6, chứng khoán Mỹ tăng trở lại và trái phiếu chính phủ giảm nhẹ, đảo ngược một số động thái gây xáo trộn vào tuần trước sau cuộc họp của FED, khi các quan chức có thái độ "diều hâu" hơn về lãi suất và lạm phát.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa cao hơn 1,4%, một sự hồi sinh xuất hiện sau khi trong tuần trước nó có kết quả hoạt động tồi tệ nhất trong gần 4 tháng.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, tăng 0,05 điểm phần trăm lên 1,49%, sau khi giảm mạnh vào tuần trước.

Alessio de Longis, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Invesco cho biết: “Những gì thị trường định giá đã loại bỏ hoàn toàn nỗi lo về một chế độ lạm phát mới - Đây vốn là câu chuyện chính [trước khi cuộc họp của FED diễn ra]".

Ngày 17/6, các nhà hoạch định chính sách của FED dự đoán rằng họ sẽ tăng lãi suất 2 lần vào năm 2023 từ mức thấp kỷ lục. Điều đó đánh dấu sự thay đổi so với dự báo trung bình trước đó cho thấy mức tăng đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2024.

Tuyên bố của các quan chức FED khiến một số nhà đầu tư lo ngại việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng ở Mỹ có thể làm lệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu từ COVID-19. Các nhà đầu tư cũng ủng hộ cái gọi là giao dịch "tăng phát", liên quan đến việc bán trái phiếu chính phủ và mua cổ phiếu trong các công ty hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như các nhà sản xuất vật liệu và ngân hàng.

Phố Wall phục hồi khi thị trường điều chỉnh theo lộ trình tăng lãi suất của FED - ảnh 1

Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ tại Mỹ, có tài sản được coi là gắn liền với tăng trưởng kinh tế, đã tăng lên.

Tuy nhiên, vào ngày 21/6, năng lượng, vật liệu cơ bản và cổ phiếu ngân hàng là những cổ phiếu có hoạt động tốt nhất trên S&P 500. Chỉ số Nasdaq Composite tập trung vào công nghệ cũng tăng, tăng 0,8% trong ngày.

Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ tại Mỹ, có tài sản gắn liền với tăng trưởng kinh tế Mỹ, đã tăng 2%. Tại Châu Âu, chỉ số cổ phiếu Stoxx 600 tăng 0,7%, với các cổ phiếu vật liệu đứng đầu bảng xếp hạng.

Sự xoay chuyển của thị trường được minh chứng bằng lợi suất trái phiếu kho bạc 30 năm, lần đầu tiên giảm xuống dưới 2% vào sáng 21/6 kể từ tháng 2 năm 2020, trước khi tăng trở lại và tăng gần 0,1 điểm phần trăm lên 2,1%.

Sự thay đổi đã giúp đẩy chỉ số ICE Bank of America Move, một thước đo về mức độ biến động dự kiến ​​trên thị trường trái phiếu kho bạc, lên khoảng 65. Chỉ số này đã giảm xuống khoảng 50 vào hồi đầu tháng.

Một số nhà phân tích cho biết vẫn chưa xảy ra phản ứng bi quan của thị trường trái phiếu - khi dự đoán kinh tế suy thoái trên diện rộng để đáp ứng với việc tăng lãi suất của FED.

Gregory Perdon, đồng giám đốc đầu tư tại ngân hàng tư nhân Arbuthnot Latham, nói: “Sự thật là FED vẫn chưa làm gì cả. Phố Wall thích leo lên bức tường của sự lo âu”.

Peter Chatwell, người đứng đầu chiến lược đa tài sản tại Mizuho, ​​cho biết: Việc giảm lợi suất của trái phiếu dài hạn “chỉ có thể được chứng minh nếu FED đang mắc lỗi chính sách, làm nghẹt thở nền kinh tế... Chúng tôi nghĩ rằng điều này đi xa sự thật - Fed chỉ đơn giản là tìm cách ngăn chặn kỳ vọng lạm phát vượt mức có thể khống chế".

Tại các thị trường khác, chỉ số dollar, đo lường giá trị của USD so với các đồng tiền chính khác, đã giảm 0,4% vào 21/6 sau khi tăng gần 2% vào tuần trước.

Dầu thô Brent, chuẩn dầu quốc tế, tăng gần 2% lên 74,93 USD/thùng.

Tiệp Nguyễn