Phương thức kinh doanh mới ‘xâm lấn’, DN và cơ quan chủ quản thích ứng đến đâu?
“Đợt sóng” tranh luận từ nhiều bên
Theo ông Đậu Anh Tuấn, nền kinh tế của chúng ta đang có các cuộc “xâm lấn” của các phương thức kinh doanh mới dựa vào sự phát triển của khoa học công nghệ. Điều này tác động mạnh mẽ đến thị trường cạnh tranh và tạo ra những “đợt sóng” tranh luận rất lớn từ nhiều bên (các doanh nghiệp, nhà quản lý, các chuyên gia) về cơ chế quản lý đối với những phương thức kinh doanh này.
Điển hình cho sự “xâm lấn” này là câu chuyện của hoạt động vận tải qua phương thức kết nối công nghệ (Grab, Uber) và câu chuyện của kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb (AirBed and Breakfast-mô hình kết nối người thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê thông qua ứng dụng di động tương tự như ứng dụng chia sẻ xe Grab) là điển hình cho cuộc “xâm lấn” này.
Việc phương thức kinh doanh mới dựa trên phương thức kết nối công nghệ tham gia vào thị trường vận tải hành khách đã dẫn tới thay đổi đáng kể về thị phần, lợi nhuận, lao động trên thị trường này, phần lớn theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp taxi truyền thống. Trước thực tế này, các hãng taxi truyền thống đã có nhiều động thái phản ứng mạnh - khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, các đơn vị dịch vụ lưu trú truyền thống trước sự xuất hiện của Airbnb lại khá nhẹ nhàng, cho dù các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này (khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú…) đã nhận rõ Airbnb đang dần tác động tới sự cạnh tranh. Những vấn đề pháp lý hay cáo buộc về sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh cũng được đặt ra, nhưng không mạnh mẽ, quyết liệt như lĩnh vực vận tải.
Doanh nghiệp phải tự cải thiện phương thức kinh doanh để thích ứng
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, phản ứng hiệu quả nhất trước sự “xâm lấn” của các phương thức kinh doanh mới chính là doanh nghiệp phải tự cải thiện phương thức kinh doanh của chính mình.
“Bên cạnh những phản ứng từ góc độ chính sách, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng đã bắt đầu có những thay đổi trong phương pháp kinh doanh của chính doanh nghiệp để thích ứng với tình hình mới. Cụ thể, một số doanh nghiệp taxi truyền thống (Vinasun, Mai Linh, Taxi Group, Thành Công...) đã ra mắt các ứng dụng đặt xe trên điện thoại, thay đổi phương thức thanh toán bên cạnh các phương thức thanh toán bằng tiền mặt, nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch giá cước, quãng đường để tăng tính cạnh tranh. Một số doanh nghiệp còn áp dụng khuyến mại từ 20.000-30.000 đồng theo cách tương tự Grab”, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 của VCCI chỉ rõ.
Nhiều cơ quan chủ quản còn “án binh bất động”
Ngược với phản ứng mạnh của các hãng taxi truyền thống, các cơ quan quản lý nhà nước trước mô hình kinh tế mới chưa xác định được đâu là cơ chế quản lý thích hợp. Hoặc là lúng túng trong việc lựa chọn, hoặc là giữ phản ứng im lặng, chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào.
Hiện tại, có thể mô hình kinh doanh Airbnb còn khá mới, chưa có xung đột gay gắt với các đơn vị lưu trú truyền thống, chưa tạo ra sức ép nên dường như các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có bất kỳ động thái nào trong việc nhận diện và xác định cơ chế quản lý đối với mô hình này.