PVS ước lãi trước thuế 800 tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch năm

Lê Thị Thu Hà 16:47 | 21/01/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
So với kế hoạch thận trọng năm 2021, PVS đã vượt 50% về doanh thu và vượt 14% về lợi nhuận trước thuế.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PVS trình bày báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: PVS).

Ngày 20/1 tại TP HCM, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - Mã: PVS) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021.

Tại đây, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc cho biết doanh thu hợp nhất của công ty ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 800 tỷ đồng, giảm 22%.

Ông Cường nhận định, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của PVS. Trong nước, các hoạt động dịch vụ của PVS bị thu hẹp, giá dịch vụ duy trì ở mức thấp và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. 

Bên cạnh đó, công tác phát triển dịch vụ ra nước ngoài cũng hết sức khó khăn, do khối lượng công việc ít và chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp địa phương của các nước sở tại ngày càng gia tăng.

Năm 2021, PVS đề ra mục tiêu doanh thu là 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 700 tỷ đồng, lần lượt giảm 53% và 21% so với thực hiện trong năm 2020. Kế hoạch dựa trên nhận định lúc đó là giá dầu khí sẽ phải đương đầu với những rủi ro không thể kiểm soát, triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn tương đối u ám. Kỳ vọng về nhu cầu dầu khí toàn thế giới vốn đã không khả quan trước thời điểm bùng phát dịch lại càng trở nên tiêu cực hơn do tác động của dịch bệnh.

Thực tế trong năm qua, giá dầu đã vọt lên có lúc hơn 86 USD/thúng, từ mức 50 USD/thùng hồi đầu năm.

Nhờ vậy, PVS đã vượt kế hoạch năm ngay từ 9 tháng đầu năm. Cả năm, PVS vượt lần lượt 50% về doanh thu và vượt 14% về lợi nhuận trước thuế.

Trong năm 2022, PVS sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, sản phẩm dịch vụ mới; tái cơ cấu mạnh mẽ hơn để tinh gọn, hiểu quả hơn; tăng cường công tác đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị,… để sẵn sàng cạnh tranh trong môi trường quốc tế.

Mới đây, PVS đã bổ sung các ngành sau đây vào ngành nghề kinh doanh chính của công ty bao gồm: sản xuất điện; truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình công nghiệp - năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy triều); xây dựng công trình khác không phải nhà...

Doanh nghiệp cho biết đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PVS trong thời gian tới trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam.

Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh, PVS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn PVN có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo năm 2022, doanh thu thuần của PVS có thể khoảng 21.132 tỷ và lãi ròng có thể quay về mức nghìn tỷ. Tới năm 2023, doanh thu thuần lên 24.375 tỷ và lãi ròng dự kiến 1.110 tỷ đồng.

Yếu tố hỗ trợ nhận định trên nhờ PVS có thể nhận đóng góp vững chắc của các liên doanh FSO/FPSO do giá dầu dự kiến duy trì ở mức cao có thể kích hoạt việc điều chỉnh tăng giá thuê ngày, và triển vọng được cải thiện của mảng Cơ khí & Dầu khí (M&C) từ năm 2022.

Diễn biến giá cổ phiếu PVS trong năm 2021. (Nguồn: TradingView).