Quảng Bình: Doanh nghiệp vận tải sống “lay lắt” giữa mùa dịch

10:50 | 19/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xe khách phơi nắng, lãi ngân hàng vẫn cứ báo về, khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khách chỉ biết ngồi chờ các chính sách hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

Hơn một tháng nay, hàng chục doanh nghiệp vận tải khách tại Quảng Bình “thấm đòn” dịch Covid-19, khi các tuyến xe liên tỉnh bị tạm dừng hoạt động, khách du lịch cũng không còn. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” do không có tuyến xe nào được hoạt động.

Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”

Bà Đoàn Thị Ánh Tuyết, chủ hãng xe A Ba Dũng (chạy quyến Quảng Bình – TP.HCM) cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp vẫn có cho xe chạy “túc tắc” dù lượng khách đã giảm mạnh. Tuy nhiên, từ hơn 1 tháng qua, khi Sở GTVT Quảng Bình có công văn cấm các tuyến xe từ Quảng Bình đến TP.HCM và các vùng dịch, hãng xe của chị Tuyết gần như rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.

“Xe của doanh nghiệp tôi đã cho nằm phơi nắng từ hơn 1 tháng nay rồi, chi phí thuê bãi đỗ, lãi ngân hàng, chi phí hỗ trợ nhân công, tài xế… cứ thể chồng chất lên, thiệt hại mỗi tháng lên đến cả trăm triệu đồng. Chúng tôi bây giờ như ngồi trên đống lửa, không biết đến bao giờ mới được hoạt động trở lại”, chị Tuyết chia sẻ.

Quảng Bình: Doanh nghiệp vận tải sống “lay lắt” giữa mùa dịch - ảnh 1Nhà xe A Ba Dũng dừng hoạt động hơn 1 tháng nay, mỗi tháng phải chi trả hàng trăm triệu tiền lãi xe.

Được biết, mỗi tháng hãng xe của chị Tuyết phải trả lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng tiền mua trả góp xe khách. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, doanh thu từ hoạt động chở khách không còn, chị Tuyết buộc phải vay mượn đủ đường để trả lãi xe. Theo chị Tuyết, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài, hãng xe của chị có thể buộc phải bán xe để tồn tại qua đại dịch.

Hoàn cảnh của chị Tuyết cũng chính là thực trạng chung của toàn bộ doanh nghiệp vận tải khách ở Quảng Bình. Ví dụ như nhà xe Xuân Truyền (chạy tuyến Quảng Bình – TP.HCM) phải thuê thêm sân bãi để “cất” nhiều chiếc xe khách, chờ ngày được hoạt động trở lại. Cứ mỗi ngày qua đi, gánh nặng của các doanh nghiệp vận tải khách ngày càng lớn hơn.

Tuy nhiên, không chỉ có các doanh nghiệp vận tải khách lớn, chạy các tuyến liên tỉnh mới chịu ảnh hưởng trong mùa dịch Covid-19. Hàng nghìn tài xế taxi, tài xế xe du lịch trên địa bàn Quảng Bình cũng là “nạn nhân” của dịch Covid-19, thậm chí có người phải đổi nghề để tồn tại qua mùa dịch này.

Anh Vũ Khâm, tài xế của một hãng xe taxi tại Thị xã Ba Đồn cho hay, không phải từ đầu năm 2021 đến nay mà từ đầu năm 2020 - khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, nhiều tài xế taxi, du lịch như anh đã “tơi tả” khi khách du lịch không có, khách địa phương nhu cầu đi lại ít, khiến cho các tài xế lao đao, doanh thu không bằng 1/10 như những năm trước đó.

Quảng Bình: Doanh nghiệp vận tải sống “lay lắt” giữa mùa dịch - ảnh 2Hàng loạt xe khách nằm chờ ngày được hoạt động trở lại.

“Ai không trả góp mua xe thì bớt khổ hơn một chút, chứ còn ai mua xe trả góp để chạy taxi thì như ngồi trên đống lửa. Mỗi tháng ngân hàng nhắn tin báo lãi là ăn không ngon, ngủ không yên, vì không biết ‘đào’ đâu ra tiền để trả nợ”, anh Khâm than thở.

Anh Khâm cho biết, những năm bình thường lượng khách đặt tour đi các điểm du lịch như Động Phong Nha, Suối nước Moọc, Sông Chày – Hang Tối… khá nhiều. Mỗi chuyến anh Khâm được khách trả từ 600.000 đồng, trừ các chi phí như xăng xe, ăn uống thu nhập mỗi ngày cũng được 400.000 - 500.000 đồng. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch không còn, thu nhập mỗi ngày của các tài xế taxi, du lịch chỉ dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/ngày.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Hội trưởng xe du lịch Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Việt Nam tour Quảng Bình cho biết, vào thời điểm này của những năm trước, đây là mùa cao điểm du lịch, đem lại nguồn thu lớn cho ngành vận tải du lịch ở Quảng Bình. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách tham quan giảm mạnh, các đơn vị vận tải du lịch buộc phải ngừng hoạt động. Hiện nay, tần suất chạy chỉ còn 1/10 so với trước.

Dẫu biết không được hoạt động là chịu thiệt hại nặng, nhưng các doanh nghiệp vận tải khách tại Quảng Bình vẫn chấp nhận. Vì đây là để bảo vệ người dân Quảng Bình khỏi dịch Covid-19, tuy nhiên điều doanh nghiệp cần hiện nay là một biện pháp từ cơ quan nhà nước để giúp họ có thể vượt qua được đại dịch này.

Quảng Bình: Doanh nghiệp vận tải sống “lay lắt” giữa mùa dịch - ảnh 3Bến xe khách vắng bóng hành khách, lượng xe khách hoạt động cũng giảm mạnh.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải – Sở GTVT Quảng Bình cho biết, hiện nay gần như toàn bộ các tuyến xe liên tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động do lo ngại lây lan của dịch Covid-19, chỉ còn duy nhất tuyến Quảng Bình – Huế vẫn được phép khai thác. Đối với các tuyến nội tỉnh, lượng khách cũng đã sụt giảm từ 40 – 50%, có nơi còn lên đến 70%.

Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp vận tải, vị lãnh đạo này cho hay, Sở cũng đã đề xuất kiến nghị UBND tỉnh thực hiện một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, như: miễn giảm lãi suất vay, giãn nợ, miễn giảm các loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải tại địa phương… 

“Mới đây, Sở cũng đã giãn thời gian bắt buộc các doanh nghiệp lắp đạt camera cho xe khách, nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng trong thời điểm khó khăn hiện tại. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các bến xe giảm giá cước ra vào bến cho nhà xe, đây cũng là các biện pháp tạm thời để giúp doanh nghiệp vượt qua mùa dịch”, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải cho biết thêm.  

Ngoài ra, để thực hiện “mục tiêu kép”– vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, Sở cũngsẽliên tục cập nhật tình hình diễn biến của dịch bệnh để có các văn bản chỉ đạo kịp thời, phù hợp đối với hoạt động giao thông vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe… trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh.

Trước đó, để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19, Sở GTVT đã có công văn tạm dừng các phương tiện này đi từ tỉnh Quảng Bình đến các tỉnh, thành phố (cả chiều ngược lại): Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP. Phan Thiết, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng)… và các địa bàn có dịch khác theo thông báo của Bộ Y tế.

 Minh Tuấn

Xem thêm: Hà Nội tạm dừng hoạt động vận tải công cộng với các tỉnh, thành phố nào?