Quảng Bình: Ngành vui chơi giải trí… mong ngóng được hoạt động trở lại

10:47 | 27/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau hai lần phải đóng cửa liên tiếp, lần thứ ba tiếp tục đóng cửa do làn sóng mới dịch Covid-19 đã khiến nhiều chủ kinh doanh vui chơi, giải trí… rơi vào cảnh vô cùng khó khăn.

Chạy dọc các con phố nổi tiếng ăn chơi của TP Đồng Hới như: Lý Thường Kiệt, Trương Pháp, Nguyễn Hữu Cảnh… không còn cảnh tấp nập, ăn uống ồn ào và tiếng hát vọng ra từ các quán karaoke cũng không còn nữa. Thay vào đó là hình ảnh quán karaoke, quán bar, massage… đóng cửa, tắt đèn, bên trong vài ba người bảo vệ ngồi tán gẫu.

Tại một số nhà hàng, karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Đồng Hới, ngoài cửa đều treo bảng thông báo “quán đóng cửa chung tay chống dịch Covid-19”. Bên trong bàn ghế được sắp xếp ngăn nắp, khung cảnh tĩnh lặng đến mức không ai nghĩ đây từng là quán nhà hàng, karaoke.

Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định đóng cửa quán karaoke, anh Hoàng Văn Long (20 tuổi) đã trở thành quản lý bất đắc dĩ tại một quán karaoke có tiếng ở TP Đồng Hới. Trước đó, anh Long chỉ là nhân viên làm việc tại đây, nhưng sau khi quán đóng cửa do dịch anh được thuê ở lại để trông coi quán.

Quảng Bình: Ngành vui chơi giải trí… mong ngóng được hoạt động trở lại - ảnh 1

Nhiều quán karaoke, massage... nổi tiếng ở Quảng Bình đóng cửa, then cài vì dịch Covid-19

“Từ ngày đóng cửa quán tới giờ, mình chỉ biết dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bàn ghế và bảo dưỡng các máy móc tại đây. Giờ quán không hoạt động nên có việc để làm tạm thời thế này cũng mừng lắm rồi. Bạn bè mình trước kia làm ở đây, bây giờ ra ngoài kiếm nghề khác cả, chỉ còn mình là trụ lại” - anh Long cho biết.

Thời điểm quán karaoke, massage, vũ trường… vẫn được phép hoạt động, thu nhập của những nhân viên như anh Long mỗi tháng cũng trên dưới 8 triệu đồng. Nhưng từ khi thăng lên chức “quản lý bất đắc dĩ”, anh không biết mình sẽ được trả lương bao nhiêu.

“Bây giờ mình chỉ mong dịch Covid-19 nhanh hết để quán hoạt động trở lại. Khi đó thu nhập của chúng tôi mới ổn định và cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều” - anh Long... ao ước.

Quảng Bình: Ngành vui chơi giải trí… mong ngóng được hoạt động trở lại - ảnh 2

Karaoke G8 mỗi tháng phải tiêu tốn khoảng 40 triệu đồng tiền mặt bằng và nhiều chi phí khác

Trong khi đó, ông Hoàng Quốc Huy (45 tuổi, ngụ TP Đồng Hới) quản lý quán karaoke G8 tại Đồng Hới buồn bã chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chỉ đạo của chính quyền buộc phải đóng cửa quán bar, karaoke, massage… vì đó là vì an toàn của toàn xã hội. Tuy  nhiên, đây đến bây giờ là lần thứ 3 đóng cửa rồi nên chúng tôi cũng chật vật lắm. Chỉ mong Chính phủ cũng như người dân chung tay nhanh chóng dập dịch để cuộc sống đỡ khổ hơn”.

Ông Huy cho biết thêm, mặt bằng bình quân thuê khoảng 40 triệu đồng/tháng, trong đó còn chưa bao gồm các khoản chi phí như tiền điện, tiền hỗ trợ lương nhân viên, tiền hư hao máy móc… tổng chi phí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. 

Ngoài ra, việc đóng quán quá lâu cũng khiến cho các thiết bị điện tử bị xuống cấp, nên mỗi ngày ông Huy phải đều đặt bật, tắt nhằm giúp máy móc hoạt động bình thường.

“Bình thường họ tới quán hát nên mở, tắt máy móc thường xuyên, nhưng từ thời điểm đóng cửa tới nay, quán karaoke của chúng tôi đã hư khoảng 3 chiếc tivi rồi. Bây giờ tôi chỉ sợ đợt dịch bùng phát mạnh quá, có khi phải đóng cửa 2-3 tháng, khi đó không biết tôi phải tiếp tục duy trì làm karaoke hay ra làm nghề khác nữa” - ông Huy xót xa.

Quảng Bình: Ngành vui chơi giải trí… mong ngóng được hoạt động trở lại - ảnh 3

Một số nơi còn treo băng rôn, khẩu hiệu "quán đóng cửa phòng chống dịch Covid-19"

Những nhân viên trước đây làm ở quán karaoke của ông Huy, nay cũng không còn được mấy người ở lại. Đa số đều đi làm nghề khác kiếm sống, có người thì đi chở nước đóng chai, có người thì đi làm bốc vác ở chợ. Tất cả nhân viên cũ của ông Huy ai cũng chờ mong ngày quán được mở cửa, quay lại làm việc như thời điểm trước dịch.

Ông Huy chia sẻ rằng, bây giờ chỉ mong các chủ quán massage, karaoke, quán bar… trên cả nước chung tay chống dịch Covid-19, khi đó dịch mới sớm được kiểm soát. Và các dịch vụ vui chơi, giải trí lại được trở lại hoạt động như thời điểm chưa có dịch xảy ra.

Trước đó, ngày 3/5, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã ký công văn gửi các sở ban ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn yêu cầu thực hiện một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đối với các hoạt động vui chơi, giải trí và trên địa bàn.

Trong đó, tạm thời dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí không thiết yếu như: Karaoke, massage, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim… từ 0h ngày 4/5 cho đến khi có thông báo mới. 

Đây là lần thứ 3 trong hơn một năm qua, các dịch vụ này phải dừng hoạt động để phòng chống dịch. Quyết định đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu nêu trên được đưa ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 2 đang bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Minh Tuấn - Cẩm Kỳ

 Xem thêm: Chuỗi lây nhiễm tòa nhà Times City Hà Nội tiếp tục tăng