Quốc hội muốn ưu tiên việc giải cứu doanh nghiệp trước cơn `sóng thần` Covid-19

06:14 | 23/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày làm việc thứ 3 của Quốc hội tiếp tục chú trọng vào những vấn đề kinh tế xã hội. Trong đó có nội dung về cứu trợ doanh nghiệp trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lao đao bởi dịch bệnh 

Đợt dịch Covid-19 hiện đang bùng phát trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã gây vô vàn khó khăn cho hàng triệu hộ kinh doanh nhỏ, lẻ lẫn các doanh nghiệp lớn. Nhiều khảo sát đã chỉ ra các các doanh nghiệp đều có chung một câu trả lời về hoạt động thời dịch bệnh bị cản trở ra sao từ việc tiếp cận khách hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc dẫn đến tình trạng lao đao. 

Tại Tp.HCM - địa phương được ví là đầu tàu kinh tế cả nước, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận dừng sản xuất để đảm bảo an toàn cho công nhân và người lao động. 

Trả lời báo Dân Trí, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đã thực sự rơi vào trạng thái "kiệt quệ" bởi dịch bệnh, nhiều nhà máy sản xuất các loại hàng may mặc với đặc thù là lượng nhân công lớn giờ chỉ có thể bố trí 50% nhân sự làm việc để giảm tải sự lây lan. 

Nhiều đơn hàng có thể bị hoãn bởi doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ vì không có đủ lực lượng lao động hoàn thiện theo yêu cầu của khách hàng. 

Nhìn sâu hơn, thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, nửa đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã lên đến 70.209 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng chịu ảnh hưởng xấu nhất của đợt dịch lần này, nhất là những công ty trong  lĩnh vực thương mại, dịch vụ. 

Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh 

Nắm bắt được những bất lợi mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp, ngày làm việc thứ 3 vào sáng 22/7, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp trong việc phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Quốc hội muốn ưu tiên việc giải cứu doanh nghiệp trước cơn `sóng thần` Covid-19 - ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại kỳ họp (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh phải cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh" để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. 

Các quỹ hỗ trợ cần phải thể hiện vai trò rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. 

Trên thực tế, trong bối cảnh theo ông Thanh thì nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời, đáp ứng nhiều mục tiêu cấp thiết hiện tại như: chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền 168,8 nghìn tỉ đồng trong khoảng thời gian trải dài suốt năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021. 

Liên quan đến các gói cứu trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì trong phiên họp, các đại biểu đã đề nghị cần có cơ chế giám sát và báo cáo lên Quốc hội. 

Lý do được đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa là bởi dịch bệnh đã kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến năm 2022. Song hành với công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Do đó cần giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỉ trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng trong năm 2021 là điều cần thiết. 

H.S

Xem thêm: Mong các ngân hàng đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn