Quỹ đầu tư ngoại chật vật nửa đầu 2022

Lợi Hoàng 09:10 | 03/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý II tồi tệ với sự sụt giảm 3 tháng liên tiếp. Đà lao dốc của thị trường lấy đi toàn bộ thành quả trong quý I của các quỹ. Nhiều quỹ lớn được xem là tích cực nếu chiến thắng được mức giảm của VN-Index.

Chiến lược đa dạng hóa danh mục giúp các quỹ không "xa bờ" như nhóm nhỏ lẻ

Không còn quá dễ dàng như hai năm trước đây, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như giao tranh Nga – Ukraine, chứng khoán quốc tế lao dốc hay những lo ngại từ việc siết chặt tín dụng trong nước, nguy cơ lạm phát cao hay động thái làm sạch thị trường chứng khoán khiến đa phần nhóm nhà đầu tư rơi vào trạng thái thua lỗ.

Nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư nước ngoài hay công ty quản lý quỹ với tài sản nhiều tỷ USD không phải là ngoại lệ. Cập nhật của phóng viên tại ngày 30/6, các quỹ ngoại theo mô hình quỹ chủ động đa phần có hiệu suất thấp âm trên 16%. Trong đó, nhiều quỹ có kết quả đầu tư thấp hơn so với mặt bằng thị trường chung.

Con số trên cho thấy bước tranh khó khăn trong đầu tư, nhưng công bằng để nói rằng thì đây vẫn là kết quả tốt hơn so với nhóm nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 4 và 5, làn sóng bán giải chấp tài khoản diễn ra như một hệ quả tất yếu từ việc sử dụng margin vô tội vạ. Cùng với đó là tâm lý “all-in” tài khoản càng khiến nhà đầu tư cá nhân trong nước “xa bờ” hơn.

Mặc dù là bộ phận chiếm đến hơn 80% thanh khoản trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân trong nước được hỗ trợ tâm lý khi dòng tiền ngoại gia nhập trở lại, tập trung vào rổ VNDiamond. Ở chiều hướng ngược lại, dòng tiền nội co hẹp đẩy thanh khoản tụt dốc.

Chiến lược phân bổ danh mục đa dạng và nguyên tắc giao dịch nghiêm ngặt của các quỹ đầu tư đa phát huy tác dụng trong giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua.

 Hiệu suất của các quỹ chủ động trên thị trường trong nửa đầu năm 2022. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp. 

Các quỹ đang có kết quả ra sao sau nữa đầu năm sóng gió?

Trong 6 tháng đầu năm hai chỉ số tham chiếu của nhiều quỹ là VN-Index và VN30-Index giảm lần lượt 20,1% và 18,7%. Song, những quỹ có thể chiến thắng được mức giảm này đa phần nằm trong nhóm quy mô vừa và nhỏ.

Quỹ nội VinaWealth Equity Opportunity Fund (VEOF) thuộc nhóm VinaCapital tích cực nhất với hiệu suất âm 6,7% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn đáng kể mức giảm 20,1% của chỉ số tham chiếu. So với các cá mập khác trên thị trường, quy mô của quỹ đầu tư này khá khiêm tốn, vào khoảng 1.080 tỷ đồng (46,3 triệu USD).

Kết quả trên nhờ VEOF phân bổ tỷ trọng lớn vào một số cổ phiếu trong rổ VNDiamond như FPT, MWG, PNJ… Nhóm này giao dịch khởi sắc trong tháng 4 và 5 nhờ hút được một lượng tiền lớn thông qua DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND).

Hai quỹ có cùng hiệu suất âm 16% trong 6 tháng là LionGlobal Vietnam Fund và Vietnam Holding. Cả hai quỹ này đều có quy mô trên 100 triệu USD. Cụ thể, tại ngày 30/6, giá trị tài sản ròng của Vietnam Holding là 128,6 triệu USD. Tương tự như VEOF, Vietnam Holdings phân bổ tài sản lớn vào các cổ phiếu FPT, MWG, GMD, PNJ, HAH.

Còn với LionGlobal Vietnam Fund , quỹ ngoại đến từ Singapore này có giá trị tài sản ròng 174,1 triệu đô la Singapore (124,7 triệu USD), tương đương quy mô của Vietnam Holdings. Danh mục đầu tư của quỹ này tập trung vào các mã MWG, HPG, VHM, MSN và FPT. Tuy nhiên, REE mới là cổ phiếu tốt nhất trong danh mục của quỹ ngoại này.

Trong nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, CTBC Vietnam Equity Fund có trạng thái tốt nhất với hiệu suất âm 18%. Quy mô tài sản của quỹ là hơn 650 triệu USD, phân bổ nhiều nhất vào FUEVFVND (8,23%), theo sau là MBB (7,27%), MWG (6,07%).

Cùng trong nhón, quỹ lớn nhất thị trường với tài sản trên 2 tỷ USD là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) có hiệu suất âm 20,1% hay Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF) (-21,9%), DC Dynamic Securities Fund (DCDS) (22,5%). Tổng tài sản của ba quỹ này là trên 2,5 tỷ USD.

Như bài viết trước đó, trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường, VEIL có đợt cơ cấu lại danh mục đầu tư mạnh tay nhất kể từ khi thị trường bước vào chu kỳ tăng mạnh hai năm trở lại đây. Sau khi đưa tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng cao kỷ lục, VEIL rót tiền vào cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất với các mã như DGC, DPM, DCM.

Cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng nằm trong Top10 mã có tỷ trọng lớn nhất trong các quỹ do Dragon Capital quản lý như CTBC Vietnam Equity Fund, Vietnam Equity (UCITS) Fund (VEF), DC Dynamic Securities Fund (DCDS).

Quỹ ngoại có thành tích kém nhất trong nửa đầu năm nay là JPMorgan Vietnam Opportunities với tỷ suất lợi nhuận âm 23,6%. Tổng tài sản thời điểm cuối tháng 5 của quỹ hơn 324 triệu USD, phân bổ lớn vào các mã HPG, VHM, VIC, MSN, VCB.

Một cái tên mới trên thị trường trong nhóm VinaCapital là Jih Sun Vietnam Opportunity Fund có hiệu suất âm 19,5%. Quỹ này chính thức vận hành tại Việt Nam vào ngày 21/1/2022. Tổng tài sản hiện nay của quỹ vào khoảng 80 triệu USD, phân bổ vào các cổ phiếu VHM, CTG, DGC, GAS với tỷ trọng trên 5%.

Bên cạnh Dragon Capital hay VinaCapital, Pyn Elite Fund là một quỹ ngoại chăm chỉ cập nhật trạng thái cũng như góc nhìn thị trường cho các nhà đầu tư. Nửa đầu năm nay, hiệu suất của Pyn là âm 20%. Đây là một kết quả được xem khá tốt ở nhóm “cá mập” trên thị trường.

Tuy đang có kết quả đầu tư kém sắc, quỹ ngoại đến từ Phần Lan này vẫn giữ góc nhìn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí nhà quản lý danh mục của Pyn vẫn giữ nguyên dự báo về ngưỡng mục tiêu 1.800 điểm của VN-Index.