Quyết tâm mở lại đường bay quốc tế, sớm nhất vào cuối tháng 10

19:30 | 17/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kể từ ngày 15/9 Thủ Tướng quyết định mở cửa đường bay quốc tế, với 3 chuyến bay được thực hiện. Nhưng sau đó các chuyến bay này buộc phải dừng lại do những lùm xùm về phương án cách ly.
Ngày 15/9, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ. Sau đó, Cục hàng không Việt Nam cấp phép cho Vietnam Airlines và Vietjet Air tổ chức hai chuyến bay thí điểm từ Seoul đến Hà Nội và TP.HCM, để Bộ y tế xem xét quy trình phòng chống dịch.
 
Tuy nhiên sau khi chuyến bay ngày 30/9 từ Seoul về TP.HCM, hành khách gây ra cảnh lộn xộn 10 tiếng ở sân bay do không nhất trí được khách sạn cách ly, do đó cơ quan chức năng phái dừng chuyến bay thương mại thường lệ để hoàn chỉnh quy trình. Nhưng từ đó đến nay, việc mở lại đường bay thương mại quốc tế vẫn đang còn được xem xét và chưa biết đến bao giờ mới được thông qua
 
Hiện nay các chuyến bay quốc tế về Việt Nam vẫn chưa được khai thác chính thức do chưa có quy trình cách ly hành khách nhập cảnh từ Bộ Y tế. Vì vậy, việc đưa ra quy trình trên sẽ giúp nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ.
 

Mở lại đường bay Quốc Tế: Thận trọng nhưng đừng quá chậm trễ.

Nhìn nhận về việc chuyến bay thương mại quốc tế tạm hoãn đến nay vẫn chưa thể bay do thiếu quy trình cách ly thống nhất, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết không đồng tình với cách làm của các cơ quan quản lý.

 
Quyết tâm mở lại đường bay quốc tế, sớm nhất vào cuối tháng 10 - ảnh 1
 
Theo ông Long, quy trình cách ly, cách ly ở đâu, mức phí thế nào là trách nhiệm của chính quyền. Việc này lẽ ra phải hoàn tất trước 15/9, thời điểm Thủ tướng cho phép bay chuyến thương mại quốc tế đầu tiên. Thế nhưng hôm 30/9, hãng Vietjet còn phải chủ động đi tìm, giới thiệu các khách sạn với mức giá khác nhau cho khách lựa chọn, cách ly. 
 
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, đợt đầu bay thương mại, đối tượng ưu tiên bay là những người có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, chuyên gia, kỹ thuật, nhà quản lý và người Việt có nhu cầu hồi hương. Các trường hợp trên đều có điều kiện, có nhu cầu và hài lòng với việc được cách ly ở khách sạn. Nhưng, bên cạnh đó, nhiều người Việt khác lại có điều kiện kinh tế không dư giả. Tính riêng ở Hàn Quốc có hơn 200.000 người Việt định cư và khoảng 60.000 du học sinh. Nhiều người có nhu cầu về nước. Nếu được bố trí cách ly ở khu tập trung của nhà nước với chi phí thấp thì sẽ phù hợp hơn với lao động Việt Nam.
 
Tính từ thời điểm Chính phủ quyết định mở lại đường bay đến nay đã 1 tháng, mới chỉ thực hiện được 2 chuyến bay chở khách từ Hàn Quốc với gần 300 hành khách về nước. Tuần qua, Bộ GTVT mới lại có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các nước. Mới đây, UBND TP.HCM đưa ra quy trình và các địa điểm cách ly. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam mới xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.
 
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thì e ngại sự chậm trễ trên có thể làm lỡ cơ hội phục hồi hàng không, du lịch và lớn hơn là phát triển kinh tế.
 
Trên thế giới, dù dịch còn phức tạp nhưng Thái lan đã chớp cơ hội triển khai gói tour du lịch cách ly 14 ngày, tới các thành phố du lịch, trong đó có gói giá chỉ khoảng 5.300 USD/người. Chẳng hạn, đảo Phuket được đón khách quốc tế theo quy trình “an toàn và khép kín”. Khách du lịch sẽ ở lại Phuket ít nhất 30 ngày, với 14 ngày đầu cách ly tại khu nghỉ mát với bãi biển ngập nắng và các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp.
 
Để phục hồi hàng không, du lịch, theo TS Lương Hoài Nam, không còn cách nào khác là chúng ta cũng phải tạo ra các vùng/điểm du lịch an toàn. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải phối hợp xây dựng ngay các quy định, quy trình đón khách, cách ly, kiểm soát dịch. Quy trình đón khách du lịch phức tạp, cần sự phối hợp nhiều phía hơn quy trình bay thương mại thông thường nên cần vào cuộc ngay. Nếu không, khi Chính phủ nhấn nút thông qua bay đón khách du lịch, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch và hành khách có thể sẽ lại phải chờ thêm vài tháng.
 

Quyết tâm mở lại một số đường bay quốc tế một cách sớm nhất

 

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại quy trình về bán vé, làm thủ tục hàng không và chuyên chở khách trên các chuyến bay thường lệ quốc tế về Việt Nam đã thực hiện tốt, “tắc” ở việc triển khai cách ly đối với hành khách sau khi nhập cảnh.
 
Công dân Việt Nam về nước bằng chuyến bay thương mại được yêu cầu tự đặt và chi trả các chi phí cách ly trong nước (tại khách sạn, nơi cách ly trả phí dân sự) và các cơ sở quân đội chỉ đáp ứng được yêu cầu cách ly cho công dân về nước theo các chuyến bay hồi hương do Chính phủ tổ chức. Trong khi đó, chi phí giữa khu cách ly quân sự và dân sự có mức chênh lệch có thể lên tới hàng chục lần, dẫn đến việc công dân ta khi về nước không tuân thủ cam kết cách ly tự nguyện.
 
Quyết tâm mở lại đường bay quốc tế, sớm nhất vào cuối tháng 10 - ảnh 2
 
Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết: Việc cách ly công dân nước ngoài được thực hiện rất tốt. Vấn đề phát sinh nằm ở quy trình chuẩn bị khách sạn, thu phí cách ly đối với công dân Việt Nam.
 
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất cần sớm tháo gỡ các vướng mắc, sớm thực thi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ. Do hành khách trên các chuyến bay rất đa dạng, nhiều thành phần nên Bộ Y tế sẽ chủ trì xây dựng Hướng dẫn y tế tổng thể cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (bao gồm nhập cảnh ngắn ngày và dài ngày, dành cho công dân Việt Nam và người nước ngoài).
 
Về chi phí cách ly tự nguyện đối với công dân Việt Nam, đề nghị các địa phương tiếp tục xem xét mở rộng các khu cách ly dân sự với mức chi phí hợp lý để công dân có thêm lựa chọn, tránh tạo thêm gánh nặng tài chính cho những người vốn đang gặp khó khăn ở nước ngoài.
 
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông Thương hiệu của Vietnam Airlines khẳng định Vietnam Airlines không chậm một ngày, nếu ngày hôm nay có được Hướng dẫn của Bộ Y tế, ngày mai chúng tôi sẽ bay ngay sau với những điều kiện đã sẵn sàng của mình, tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào hành khách, như việc khách có đủ thời gian để mua vé, đặt chỗ không. Với tư cách là thành viên tích cực của Ban soạn thảo Hướng dẫn tổng thể về giám sát, theo dõi, cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thương mại và chủ trì trao đổi với các đối tác về Quy trình đi lại ngắn ngày, Cục Lãnh sự sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất trong việc mở lại các đường bay, nối lại giao thương quốc tế, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ngày 14/10 UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc thành lập các khu cách ly y tế tập trung phòng chống dịch Covid-19 tại khách sạn do người cách ly trả phí. 14 khách sạn trong danh sách này thuộc khu vực trung tâm quận 1, quận 7 và Phú Nhuận gồm: Hương Sen 3, Alagon City, AEM Signature, Kim Cương Xanh (2 cơ sở), Riverside, Sky Gem Central, Sen Việt Boutique, AEM, Cititel Parkview Sài Gòn, Sài Gòn Hà Nội, Sunshine, Sabina, Mường Thanh Luxury Sài Gòn. Như vậy, đến nay, TP.HCM có 24 khách sạn làm nơi cách ly tập trung. Tổng công suất lên đến 2.000 phòng.

Đến hiện tại Việt Nam đã bước sang ngày 45 không có ca nhiễm trong cộng đồng, đường bay thương mại quốc tế chỉ có thể “cất cánh” khi các cơ quan liên quan thống nhất được bộ quy trình cách ly được ban hành. Việc hoàn thiện quy trình đang được Bộ y tế lấy ý kiến dự thảo dự kiến các chuyến bay thương mại sẽ được mở lại trong một hai tuần nữa.
 
Nguyễn Dung