Reuters: Samsung đang cắt giảm quy mô sản xuất tại Thái Nguyên

Huy Nguyen 15:51 | 05/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nguồn tin từ Reuters, một số công nhân ở nhà máy Samsung Thái Nguyên cho biết họ chỉ làm việc một nửa tuần trong giai đoạn này.

 

  Nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên. (Ảnh: Reuters).  

Samsung Electronics Co Ltd đang cắt giảm quy mô sản xuất tại nhà máy smartphone lớn ở Thái Nguyên trong bối cảnh các nhà bán lẻ và nhà kho đối mặt với chi phí kho vận tăng lên và xu hướng tiêu dùng toàn cầu yếu đi, tờ Reuters dẫn lời công nhân nhà máy cho biết.

Nhà máy Samsung tại Thái Nguyên có khả năng sản xuất 100 triệu điện thoại mỗi năm. Trong khi đó năm ngoái, Samsung báo cáo xuất xưởng tổng cộng 270 triệu điện thoại.

 Pham Thi Thuong, một công nhân 28 tuổi tại nhà máy Samsung Thái Nguyên chia sẻ với Reuters: “Chúng tôi đang chỉ làm việc 3 ngày một tuần, một số dây chuyền sản xuất đang điều chỉnh làm việc 4 ngày 1 tuần thay vì 6 ngày 1 tuần như trước và đương nhiên chúng tôi cũng không còn cần làm thêm giới”.

“Thậm chí nếu so sánh, bằng giờ này năm ngoái, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh trong nước, hoạt động kinh doanh thậm chí còn sôi động hơn. Mọi thứ hiện tại đều chậm chạp”, nữ công nhân này chia sẻ thêm.

Ngoài Việt Nam, Samsung hiện tại còn có nhà máy sản xuất điện thoại ở Ấn Độ và Hàn Quốc. 

Samsung xác nhận với Reuters rằng hãng này chưa thảo luận về vấn đề điều chỉnh giảm mục tiêu sản xuất hàng năm tại Việt Nam.

“Ông lớn” công nghệ Hàn Quốc đang tỏ ra khá tích cực về nhu cầu smartphone trong nửa sau năm 2022. Trong buổi báo cáo hoạt động kinh doanh hồi tuần trước, Samsung cho biết các vấn đề liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng đã được giải quyết và nhu cầu tối thiểu sẽ đi ngang hoặc thậm chí có thể tăng trưởng 2 con số.

Samsung đặt mục tiêu doanh số dòng thiết bị điện thoại gập có thể vượt doanh số dòng điện thoại cao cấp Galaxy Note trong nửa sau năm 2022. Hãng cũng kỳ vọng sẽ trình làng điện thoại màn hình gập mới vào ngày 10/8 tới đây.

Dù vậy, một số công nhân mà Reuters có dịp phỏng vấn bên ngoài nhà máy lại cho rằng hoạt động sản xuất đang không quá tốt đẹp. Thuong và nhiều người bạn của cô đã làm việc ở Samsung trong 5 năm và nói rằng họ chưa bao giờ thấy một đợt cắt giảm sản xuất lớn hơn như vậy.

“Tất nhiên, mỗi năm đều có mùa thấp điểm, thường rơi vào tháng 6 – tháng 7, thế nhưng thấp điểm có nghĩa là không phải làm thêm giờ chứ không phải cắt giảm ngày làm như hiện tại”, Thuong nói. Cô chia sẻ thêm rằng quản lý nói với công nhân rằng tồn kho đang cao và không có nhiều đơn hàng mới.

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner dự đoán doanh số smartphone toàn cầu có thể sẽ giảm 6% trong năm nay do nhu cầu tiêu dùng đi xuống, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc.

“Thị trấn Samsung”

Samsung hiện tại là một trong những nhà đầu tư nước ngoài và đơn vị xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam với 6 nhà máy trên khắp cả nước. Samsung đã đầu tư tổng cộng 18 tỷ USD vào Việt Nam.

Đầu tư vào Thái Nguyên gần 10 năm trước, Samsung góp phần biến địa phương này trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn. Hiện tại, một số thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi cũng đang sản xuất điện thoại tại đây.

Nhiều phúc lợi hấp dẫn khiến nhà máy của Samsung thu hút được hàng chục nghìn lao động trẻ. Dù vậy, đợt cắt giảm giờ làm của Samsung gần đây đang khiến nhiều lao động cảm nhận được sự khó khăn.

“Lương của tôi giảm một nửa vào tháng trước vì tôi chỉ làm việc 4 ngày mỗi tuần và không làm gì vào 3 ngày còn lại”, Nguyen Thi Tuoi nói với Reuters. Nhiều công nhân đã bắt đầu nghĩ đến khả năng cắt giảm công việc song đến nay viễn cảnh này chưa xảy ra.

“Tôi không nghĩ sẽ có tình trạng cắt giảm việc làm, chỉ là cắt giảm giờ làm để phù hợp với tình hình toàn cầu hiện tại”, một công nhân nói. Người này từ chối tiết lộ tên vì sợ ảnh hưởng đến vị trí trưởng nhóm của cô. “Tôi hy vọng đợt cắt giảm hiện tại sẽ không kéo dài lâu và chúng tôi sẽ sớm trở lại với nhịp độ thường lệ”.

Tuần trước, Samsung công bố lợi nhuận ròng trong quý II/2022 tăng lên mức 10,95 nghìn tỷ won (8,3 tỷ USD), thấp hơn so với mức dự phóng 11,2 nghìn tỷ won. Doanh thu từ mảng bán dẫn tăng thấp hơn kỳ vọng ở mức 24% lên mốc 28,5 nghìn tỷ won, không đạt được doanh thu ước tính là 36,7 nghìn tỷ won. Doanh thu mảng smartphone và mạng của công ty công nghệ Hàn Quốc tăng trưởng 29% lên mức 29,3 nghìn tỷ won.

Công ty nghiên cứu thị trường Gartner dự đoán doanh số điện thoại thông minh toàn cầu trong năm nay có thể giảm 7,1% đến từ nhiều nguyên nhân như lạm phát tăng, xung đột tại Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng đến từ lệnh hạn chế khắt khe do COVID-19 ở Trung Quốc.

“Chúng tôi cho rằng cần một đến hai quý nữa để người tiêu dùng smartphone và PC có thể tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho hiện tại trước khi bước vào giai đoạn tái xây dựng mới”, nhà phân tích Needham nói với Financial Times.

Lee Min-hee, một nhà phân tích của BNK Securities, dự đoán doanh số điện thoại thông minh bán ra của Samsung giảm khoảng 16% so với cùng kỳ quý trước trong quý II/2022, chạm mốc 62 triệu thiêt bị.