Rủi ro, thách thức nào trong phát triển Fintech tại Việt Nam?

21:47 | 09/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Có nhiều lợi thế, nhưng Fintech phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính ngân hàng tại Diễn đàn “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hà
Rủi ro, thách thức nào trong phát triển Fintech tại Việt Nam? - ảnh 1
Các công ty Fintech tại Việt Nam hiện đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực 
 

Đã có 166 Fintech và dư địa vẫn lớn

 
Theo thông tin tại Diễn đàn, hiện Việt Nam đã có 166 công ty công nghệ tài chính (Fintech) với các hoạt động chủ yếu là thanh toán điện tử, ngân hàng số, wealth management, cho vay ngang hàng P2P, blockchain, gọi vốn cộng đồng, đánh giá điểm tín dụng, SMEs Financing, comparision, POS và Insurtech.
 
Trong đó, lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ lệ lớn nhất với 47% số công ty và 98% số vốn đầu tư vào Fintech Việt Nam năm 2019, nếu chỉ tính các thương vụ được công bố (theo UOB) và cho vay ngang hàng là lĩnh vực lớn thứ hai với 20 công ty, tiêu biểu là Tima và Vaymuon.vn.
 
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, tại Việt Nam, Fintech đang có những bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Theo đó, nếu như năm 2017 cả nước mới có khoảng 74 công ty Fintech cạnh tranh trên thị trường, thì đến cuối năm 2019 số lượng các công ty fintech đã tăng gấp đôi lên gần 140 công ty.
 
Các công ty Fintech hiện đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như thanh toán điện tử, tài chính cá nhân, công nghệ bảo hiểm, công nghệ chuỗi khối (blockchain), cho vay, đánh giá điểm tín dụng, quản lý tài sản, gọi vốn cộng đồng…
 
Rủi ro, thách thức nào trong phát triển Fintech tại Việt Nam? - ảnh 2
 
Tuy nhiên, Fintech tại Việt Nam vẫn chưa phát triển bằng các nước ASEAN khác. Đơn cử, đến cuối năm 2019, Singapore có 1.157 công ty fintech và hiện Singapore là trung tâm Fintech khu vực với 45% số doanh nghiệp đặt trụ sở và chiếm 51% tổng vốn đầu tư vào Fintech tại ASEAN; Indonesia có 511 công ty; Malaysia có 376 công ty, Thái Lan có 216 công ty…
 
Mặc dù vậy, ông Lực cũng cho rằng, trong tương lai Việt Nam có khá nhiều lợi thế để phát triển Fintech, đó là thị trường nội địa lớn, còn nhiều dư địa phát triển, cùng với đó, dân số Việt Nam tương đối trẻ và lượng người sử dụng điện thoại thông minh cao.
 
Mặt khác, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá (dự báo tăng trưởng 6,5 - 7% giai đoạn 2021 - 2030), thu nhập bình quân đầu người tăng 6%/năm, thương mại điện tử tăng nhanh khoảng 25 - 30% trong 5 năm tới. Đặc biệt, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, thể hiện ở năm 2019, Việt Nam đứng thứ hai trong thu hút đầu tư fintech tại ASEAN, chỉ sau Singapore…
 
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hòe – Nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, hiện nay xu hướng phát triển của thị trường fintech ở Việt Nam chủ yếu theo mô hình các công ty Fintech liên kết với ngân hàng (chiếm đến hơn 72%) và theo đó, sự liên kết, hợp tác này đã đem lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên.
 
Cụ thể những lợi ích đó là, cải thiện hiệu quả kinh doanh nhờ việc tiết kiệm chi phí, gia tăng quy mô, gia tăng tỷ trọng từ phí dịch vụ, tăng cường khả năng quản trị rủi ro, gia tăng trải nghiệm khách hàng, từ đó hấp dẫn khách hàng, thu hút được lượng khách hàng lớn hơn…
 

Thách thức về bảo mật và thay đổi lớn về pháp lý

 
Các chuyên gia tham dự Diễn đàn cho rằng, Fintech đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề dữ liệu, an toàn bảo mật, an ninh mạng, đồng thời tạo ra thách thức và thay đổi lớn về pháp lý trong ngành dịch vụ tài chính.
 
 
Rủi ro, thách thức nào trong phát triển Fintech tại Việt Nam? - ảnh 3
 
Fintech hiện chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia
 
Về vấn đề dữ liệu, theo TS. Cấn Văn Lực, hiện Fintech chưa có cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Dữ liệu về doanh nghiệp còn phân tán, thiếu cập nhật, thiếu nhất quán và đồng bộ. Rủi ro an ninh mạng đang ở mức cao, trong khi nhận thức và giải pháp cho Fintech còn hạn chế. Khách hàng sẽ đối mặt với rủi ro mới về lộ lọt thông tin cá nhân; bị hack tài khoản, mất tiền; khiếu nại, giải quyết có thể phức tạp hơn.
 
Về mặt pháp lý, chính sách, cơ chế, chính sách hay thay đổi, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán; quy định về hoạt động Fintech (dạng sandbox – thử nghiệm có kiểm soát) chưa được ban hành; các tiêu chuẩn, chuẩn mực chung còn thiếu; cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu mới manh nha…
 
Đặc biệt là vấn đề an toàn bảo mật, an ninh mạng, rủi ro an ninh mạng ở mức cao, tinh vi khó kiểm soát hơn, nhất là các rủi ro trong vấn đề về rửa tiền, tài trợ khủng bố, an ninh an toàn bảo mật dữ liệu, tấn công của hacker… đe dọa tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính…
 
Bàn về giải pháp cho sự phát triển đúng hướng của Fintech, các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng,  là mô hình kinh doanh mới của Fintech đòi hỏi khung pháp lý mới, trước mắt, cần xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động fintech theo cách tiếp cận mở nhưng kiểm soát được rủi ro (cơ chế sandbox…).
 
Ban hành các tiêu chuẩn, quy định về vấn đề chia sẻ và bảo mật dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng, dịch vụ tài chính xuyên biên giới, an toàn hệ thống tài chính…
 
Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giám sát những lĩnh vực mới, hoàn thiện thể chế, bộ máy quản lý Fintech (có bộ phận đầu mối, quản lý thống nhất…).
 
Mặt khác, cần xây dựng các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, công ty fintech, công ty công nghệ thông tin lớn, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử… Đặc biệt, cần có các quy định về yêu cầu vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia vào thị trường Fintech.
 
Các chuyên gia đồng ý với quan điểm để Fintech phát triển và mang lại bước phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghệ tài chính ngân hàng bắt nhịp với mức độ phát triển của thế giới, các chuyên gia cho rằng trước hết cần nhanh hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động Fintech theo cách tiếp cận: mở nhưng kiểm soát được rủi ro (sandbox…) và hoàn thiện thể chế, và cần bộ máy quản lý Fintech như thành lập một đơn vị có thể là một vụ một cục thuộc bộ để là đầu mối, quản lý thống nhất Fintech.
 
Làm sao phải tạo được niềm tin từ cả người tiêu dùng lẫn người quản lý, đơn cử như cơ quan thuế thấy rằng sẽ thu đủ thuế. Và cần có hệ sinh thái và môi trường cho đổi mới sáng tạo. Đồng thời cần có tiêu chuẩn, chuẩn mực chung, các quy định về liên kết, hệ sinh thái giữa ngân hàng, Fintech, Big tech, bên thứ 3 và các chuỗi cửa hàng, trang thương mại điện tử. Và các Fintech, Big tech và ngân hàng tham gia Fintech phải đáp ứng các yêu cầu về vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro...
 
Minh Hoa