Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp nhìn từ bài học Evergrande
Mua trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lãi suất cao đang trở thành một kênh đầu tư mới trên thị trường trong thời gian gần đây. Thông tin từ Bộ Tài chính, từ năm 2020 đến tháng 8/2021, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn tương đương hàng ngàn tỉ đồng, với mức lãi suất phổ biến từ 10%-11,5%/năm.
Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua. Trong khi đó, các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.
Theo SSI, hiện chưa có đơn vị trung gian độc lập định hạng các trái phiếu doanh nghiệp, việc tự đánh giá các trái phiếu vượt quá khả năng của nhà đầu tư cá nhân. Cũng bởi lý do này, Bộ Tài chính thời gian qua đã nhiều lần cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Thưa chuyên gia, ông có đánh giá như thế nào về xu hướng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thời gian qua?
Theo báo cáo Thị trường Trái phiếu (tính đến hết quý II năm 2021), tổng giá trị Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong quý 2/2021 đạt mức 134.703 tỷ đồng (+8,1% so với cùng kỳ) và tăng 3,4 lần so với quý trước. Giá trị TPDN phát hành lũy kế từ đầu năm đạt 174.275 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Những con số kể trên phản ánh đây là một kênh đầu tư mới cho các nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh kênh truyền thống như vàng, chứng khoán, bất động sản nhờ lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất ngân hàng và lãi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng giảm.
Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đang có dấu hiệu chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không chuyên mua trái phiếu doanh nghiệp bằng mọi giá. Điều này đã được Bộ Tài chính cảnh báo vì nó đi ngược với quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt, sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/6 vừa qua đã cấm đối với nhà đầu tư không chuyên mua bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021.
Tại Nghị định số 81/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành, nhiều quy định theo hướng siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Với các quy định tại Nghị định 81, Chính phủ đang khuyến khích nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp có khả năng thẩm định về tiềm năng của trái phiếu doanh nghiệp trước khi mua, trong khi không ít nhà đầu tư cá nhân thiếu cả dữ liệu, thông tin lẫn kinh nghiệm, khả năng phân tích tiềm lực của doanh nghiệp.
Vậy theo chuyên gia, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp phải rủi ro gì khi tham gia vào trái phiếu doanh nghiệp?
Nếu ai theo dõi về tình hình tài chính thế giới sẽ biết câu chuyện Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) đứng trước nguy cơ vỡ 'bom nợ' 300 tỉ USD. Tập đoàn bất động sản này đã không trả được khoản lãi trái phiếu tổng cộng 131 triệu USD cho nhà đầu tư nước ngoài như hạn định vào ngày 23 và 29/9 vừa qua. Evergrande sẽ phải trả 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm 2021, thanh toán 3,45 tỉ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 3 và 4/2022.
Từ bài học Evergrande, nhìn về Việt Nam trong 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nóng lên, nhiều công ty bất động sản lớn chuyển cơ cấu vốn vay từ ngân hàng sang trái phiếu, nhằm đầu tư các thương vụ M&A, cơ cấu/đảo nợ... Việc này khiến các nhà đầu tư trước khi rót tiền phải có cái nhìn thấu đáo để đề phòng rủi ro.
Điều đầu tiên tôi muốn nói là nhiều doanh nghiệp của Việt Nam sở hữu trái phiếu "3 không". Đó là không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Điều đó dẫn theo sự mập mờ dòng vốn cũng như tài sản để trả nợ.
Điều thứ 2 tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng, nhưng hiện Việt Nam chỉ mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm là Saigon PhatThinh Ratings và FiinRatings.Thị trường Việt Nam không chặt chẽ bằng các thị trường ASEAN khác - nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng và thường là cả phát hành riêng lẻ trong suốt những năm hình thành trái phiếu", phía Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ.
Việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Chuyên gia có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư khi tham gia vào trái phiếu doanh nghiệp?
Trong đầu tư, nhất là những lĩnh vực sinh lời cao thì cơ hội và rủi ro là 2 yếu tố luôn song hành. Thông thường lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận, nhưng nên nhớ đối với doanh nghiệp có tài chính yếu kém, khi huy động vốn trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao, chính các doanh nghiệp phát hành sẽ gặp rủi ro nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Hiện nay trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường do cơn bão đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100.000 doanh nghiệp. Trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn bởi dịch, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.
Xin cảm ơn và chúc sức khỏe chuyên gia!