Samsung ấp ủ sản xuất smartphone trong suốt, tính khả thi đến đâu?
Công nghệ sản xuất smartphone mỗi ngày đều được cải tiến, nâng cấp không ngừng. Để cạnh tranh trên thị trường công nghệ vô cùng khốc liệt, các hãng sản xuất đều nỗ lực đưa ra những sáng tạo mới.
Trang tin công nghệ LetsGoDigital mới đây đã phát hiện ra thông tin rằng Samsung Hàn Quốc đã đăng ký với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về công nghệ làm smartphone trong suốt. Tin tức này nhanh chóng thu hút sự chú ý và tò mò của rất nhiều người. Tuy ý tưởng về chiếc điện thoại có khả năng nhìn xuyên qua thân máy không phải mới mẻ nhưng lại có vẻ khá xa vời. Thật khó tưởng tượng chúng ta phải ứng dụng công nghệ gì để tạo ra được màn hình như vậy.
LetsGoDigital cũng đã thiết kế ra một bản mô tả giả định về smartphone trong suốt. Máy có thiết kế màn hình cong tương tự như một số mẫu smartphone cao cấp khác hiện nay của Samsung. Điện thoại vẫn có khung viền màn hình bằng kim loại chứ không hoàn toàn "tàng hình". Màn hình máy thì có thể nhìn xuyên thấu qua như tấm thủy tinh. Về chức năng bên trong, điện thoại trong suốt vẫn đảm bảo sử dụng được như smartphone thông thường.
Bản dựng giả định smartphone Samsung trong suốt của LetsGoDigital
Với công nghệ sản xuất smartphone hiện nay, việc sản xuất ra được smartphone trong suốt như vậy vẫn không phải dễ dàng. Samsung sẽ phải nghiên cứu ra được công nghệ làm linh kiện trong suốt. Công nghệ tương tự thực chất đã tồn tại từ sớm. Năm 2009, Sony từng có một chiếc điện thoại màn hình trong suốt tên là Xperia Pureness X5. Nhưng hình thức và chất lượng của nó không quá hoàn thiện. Chắc chắn Samsung sẽ phải phát triển một công nghệ khác thì mới thực hiện được smartphone đẹp như trong bản dựng mô tả.
Màn hình trong suốt thực sự đã được sản xuất từ mấy năm nay, nhưng chủ yếu xuất hiện trên màn hình cỡ lớn của tivi. Giá cả của những loại màn hình này khá đắt đỏ và không ai sử dụng vì mục đích cá nhân mà chúng hay dùng để trưng bày trong triển lãm hay sự kiện. Do không sử dụng tấm nền đen nên màn hình trong suốt có độ phân giải và độ tương phản không cao. Khi hiển thị ở khoảng cách gần cũng khó nhìn thấy rõ. Tuy nhiên độ sáng lại lớn do cần thu hút sự chú ý của mọi người. Để tích hợp công nghệ này vào màn hình vài inch của chiếc điện thoại chắc hẳn là bài toán khó.
Vấn đề tiếp theo là liệu smartphone trong suốt có thể trở thành xu hướng của tương lai, tính ứng dụng có cao không? Nếu sản phẩm này thực sự xuất hiện trong vài năm tới, chắc chắn nó sẽ tạo ra một "cú nổ" trong làng công nghệ và thu hút sự tò mò của công chúng. Smartphone trong suốt cũng sẽ đánh dấu cho một bước tiến lớn của ngành công nghệ. Nhưng xét về tính ứng dụng, liệu thực sự con người có cần sản phẩm này? Ngoại trừ ưu điểm đẹp và trông thú vị ra, điện thoại xuyên thấu còn có hữu ích nào khác không? Khi sử dụng, màn hình máy sẽ chuyển sang chế độ đục không khác gì smartphone bình thường hiện nay. Mà khi mới ra mắt, giá cả của smartphone trong suốt chắc chắn sẽ cực kỳ đắt đỏ. Sẽ không có quá nhiều người muốn bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu smartphone chỉ vì nó có hiệu ứng đẹp mắt.
Smartphone trong suốt đã được mong chờ từ lâu, nhưng bao giờ mới thực sự xuất hiện?
Nếu thực sự muốn phát triển dòng sản phẩm này và tạo ra xu hướng, có lẽ Samsung sẽ phải cân nhắc và nghiên cứu thị trường thêm. Nhưng cũng không thể phủ nhận chiếc điện thoại trong suốt này là một đồ trang sức tuyệt vời. Hoặc biết đâu, Samsung cũng sẽ chỉ định hướng dòng sản phẩm như một cách để phô trương sức mạnh công nghệ giống như đã làm với dòng điện thoại gập Z Fold hay Z Flip. Chúng đều là những sản phẩm có tính sáng tạo và công nghệ cao, thời thượng nhưng không có tính thiết thực quá nhiều với người dùng phổ thông. Đến nay, Samsung Z Fold và Z Flip vẫn có đối tượng người mua chủ yếu là người thích vọc vạch công nghệ hoặc... nhà giàu.
Dự định sản xuất smartphone trong suốt của Samsung hiện nay vẫn chưa được thông báo chính thức. Xét cho cùng, để đi từ chiếc bằng sáng chế đến sản phẩm thực tế còn là một con đường rất dài. Năm 2018, Sony cũng từng đăng ký bằng sáng chế cho một công nghệ làm điện thoại trong suốt nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Trước đây, làng công nghệ cũng từng truyền tai nhau tin đồn Xiaomi cùng LG đều đang làm smartphone kiểu này và đến nay vẫn chưa thấy đâu. Các hãng công nghệ lớn thường có thói quen đăng ký bản quyền bằng sáng chế các tính năng “độc” trên sản phẩm. Đôi khi, hành động này là để tự bảo vệ các sản phẩm của mình, tránh bị các đối thủ lấy cắp và gây khó dễ về sau, hơn là để có thể sớm ứng dụng vào thực tế.
Kim Chi