Samsung có kế hoạch đầu tư kỷ lục cho mảng chip bán dẫn và dược phẩm sinh học

Lê Thị Xuân Phương 12:17 | 27/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Số tiền khủng được đế chế công nghệ Hàn Quốc đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh chip bán dẫn và dược phẩm sinh học trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung hậu đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng 450 nghìn tỷ won (tương đương 355,8 tỷ USD) để thúc đẩy mảng kinh doanh chip bán dẫn và dược phẩm sinh học. Đây là khoản đầu tư kỷ lục trong lịch sử Samsung. 

Tập đoàn cho biết 80% giá trị khoản đầu tư (khoảng 360 nghìn tỷ won - tương đương 285 tỷ USD) sẽ được chi tiêu ở Hàn Quốc, nhưng không nói rõ phần còn lại của kinh phí sẽ được phân bổ vào đâu. Samsung cũng kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra 80.000 việc làm chủ yếu trong lĩnh vực bán dẫn và dược phẩm sinh học cho đến năm 2026.

Samsung Electronics; nhà sản xuất điện thoại thông minh, màn hình, chip nhớ và thiết bị tiêu dùng lớn nhất thế giới; sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ phức tạp hơn trong quá trình thiết kế và sản xuất chip. Tập đoàn có kế hoạch sản xuất dòng chip tiên tiến 3 nanomet vào cuối năm 2022 trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách với TSMC, tập đoàn sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc).

Trong kế hoạch, Samsung Electronics cũng sẽ tập trung nguồn lực để phát triển các dòng chip thế hệ tiếp theo cho siêu máy tính, robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 6G và bộ xử lý ứng dụng năng lượng thấp. Năm ngoái, Samsung Electronics đã công bố kế hoạch đầu tư 151 tỷ USD trong 10 năm (đến năm 2030) để nghiên cứu sâu hơn vào các sản phẩm công nghệ tiên tiến, phần lớn trong số đó sẽ là chip bán dẫn.

Ông Kim Sang-bong, giáo sư kinh tế tại Đại học Hansung, cho biết các kế hoạch được Samsung công bố sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc. Chuyến thăm có thể xem là một tín hiệu rõ ràng nhằm thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh doanh Hàn Quốc tại Mỹ.

Trước đó, Samsung cũng từng công bố kế hoạch đầu tư 240 nghìn tỷ won trong 3 năm kể từ năm 2021 để tăng cường năng lực trong các lĩnh vực chip bán dẫn, dược phẩm sinh học, AI và robot sau thời kỳ hậu đại dịch. Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Phó Chủ tịch Lee Jae-yong được tạm tha và ra tù sau hơn một năm bị giam giữ vì hành vi hối lộ, biển thủ và các tội danh khác liên quan đến bê bối tham nhũng.

Samsung là đế chế công nghệ thống trị kinh tế Hàn Quốc với tổng doanh thu tương đương 1/5 quy mô tổng sản phẩm quốc nội Hàn Quốc. Tập đoàn được là một trong số ít những "chaebol" của Hàn Quốc và được điều hành bởi những thế hệ của một trong các gia tộc giàu có và lâu đời nhất quốc gia.

Theo tiếng Hàn, từ chaebol được ghép bởi chữ chae (sở hữu) với mumbol (gia đình quyền quý), cụm từ vốn được dùng để chỉ các tập đoàn lớn với những vị trí điều hành được chia cho các thành viên trong gia đình. Bắt nguồn từ những năm 1960, "chaebol" đã dần trở thành một nền văn hóa và kinh tế "gia đình trị" đặc trưng của Hàn Quốc.

Samsung và nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã công bố nhiều kế hoạch đầu tư sau khi Tổng thống mới, ông Yoon Suk Yeol bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 10/5. Ông Yoon Suk Yeol là người ủng hộ mạnh mẽ các chaelbol và muốn biến các tập đoàn này trở thành trụ cột chính trong kế hoạch tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chẳng hạn, tập đoàn ô tô Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hàn Quốc, đã công bố kế hoạch đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực bao gồm xe điện (EV), robot, công nghệ hàng không và phương tiện chạy bằng hydro vào năm 2025.

Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Lotte cũng tuyên bố sẽ rót một lượng vốn khổng lồ để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia, từ các khách sạn, cửa hàng miễn thuế đến sản xuất năng lượng tái tạo, cho thuê xe điện.

Cùng với những chaebol nổi tiếng khác, Samsung phải gánh vác một phần trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng của Hàn Quốc trong bối cảnh kinh tế bất định, lạm phát cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch và căng thẳng ở Ukraine.