Phó Chủ tịch Korcham nói gì khi Samsung muốn đầu tư vào Đà Nẵng?
Kết thúc quý I/2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và biến động quốc tế tác động đến kinh tế thế giới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam vẫn đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư tiềm năng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Đầu tháng 4 qua, một thông tin đáng mừng là tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang nghiên cứu, xem xét đầu tư vào Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, dòng vốn sẽ chảy đến với những quốc gia phục hồi nhanh nhất và biết nắm bắt cơ hội nhất. Trên tinh thần này, Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Korcham về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam năm 2022 sau một thời gian mở cửa hàng không cũng như những xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư Hàn Quốc.
PV: Được biết tập đoàn Samsung đang tìm hiểu, mong muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Nếu xúc tiến thành công, Samsung sẽ có nhà máy đặt tại cả 3 miền của Việt Nam. Ông nhận định ra sao về cơ hội mở rộng đầu tư của Samsung nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung trên toàn lãnh thổ Việt Nam?
Trong những năm trước đây, nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam đã tập trung đầu tư vào hai khu vực trọng tâm là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở rất nhiều địa phương khác, vì mỗi địa phương đều có những ưu điểm nhất định.
Ngoài ra, một vài tập đoàn như Samsung tìm kiếm, mở rộng đầu tư ở các địa phương khác của Việt Nam, điều đó có thể giúp các địa phương đạt được sự phát triển đồng đều hơn. Samsung đã có nhà máy sản xuất điện thoại phía Bắc và dây chuyền sản xuất đồ gia dụng rất lớn ở miền Nam, nếu mở rộng thêm nhà máy ở miền Trung thì đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Về phía Korcham, chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh thành mới của Việt Nam, không phải là chỉ những tỉnh thành quen thuộc. Rất nhiều chính quyền địa phương đang tạo điều kiện toàn diện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm nhà đầu tư Hàn Quốc.
Ngược lại, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ và chính quyền các địa phương trong việc khuyến khích các dự án FDI chất lượng vào Việt Nam.
PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng FDI vào Việt Nam trong năm nay?
Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã kỳ vọng rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái, trên nhiều lĩnh vực, không riêng công nghiệp mà cả năng lượng, thương mại, tài chính… sau 2 năm khó khăn và bị dồn nén.
Hiện nay, khi nhập cảnh đã thoải mái và dễ dàng, rất nhiều chuyên gia và nhà đầu tư Hàn Quốc đã quay lại Việt Nam. Trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao, những nhà đầu tư quan tâm tới tiềm năng đầu tư, đang tìm hiểu hoặc có ý định đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng đây là thời gian chín muồi để thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Tín hiệu đầu tư đang rất tích cực, chúng tôi khá mừng vì sự quay trở lại tỷ suất đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đến thời điểm này.
PV: Liệu bối cảnh toàn cầu, biến động quốc tế và áp lực giá có tác động đến triển vọng đầu tư hay gây khó khăn cho doanh nghiệp FDI không, thưa ông?
Rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã từng trải qua những thời điểm khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, những cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Mâu thuẫn Nga - Ukraine hiện nay cũng có thể dẫn đến những thách thức cho nền kinh tế nói chung, nhưng chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục mở rộng, tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, trong đó Việt Nam là một trong những địa điểm thu hút đầu tư tiềm năng hàng đầu.
Do vậy, chúng tôi kỳ vọng lần này, sau khi Việt Nam mở cửa hàng không từ 15/2, đồng thời Hàn Quốc cũng rút Việt Nam ra khỏi danh sách tăng cường kiểm dịch từ ngày 1/4, nhà đầu tư có thể thoải mái đi lại và vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ nhiều triển vọng tích cực.
Còn mối quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam hiện nay không phải lạm phát hay giá cả tăng, mà là vấn đề nguồn nhân lực. Rất nhiều nhà máy đang thiếu người lao động dù đơn đặt hàng tăng cao, dẫn đến sự khó khăn trong huy động dây chuyền sản xuất.
Nếu không sớm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực sau dịch, có thể dẫn đến tình trạng nhà đầu tư xem xét vào Việt Nam nhưng không vào nữa, hoặc trì hoãn đầu tư.
PV: Ông đánh giá Việt Nam là một trong những địa điểm thu hút đầu tư tiềm năng hàng đầu với nhà đầu tư Hàn Quốc, vậy làm thế nào để Việt Nam duy trì và tăng cường sức hút đó với khu vực FDI trong tương lai?
Khi Việt Nam nỗ lực thu hút FDI, các Chính phủ khác cũng đang rất nỗ lực để phục hồi dòng vốn FDI giảm trong 2 năm qua cũng như thúc đẩy phục hồi kinh tế. Khi những dự án FDI quy mô hàng tỷ USD xem xét vào Việt Nam thì các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới cũng rất muốn có những dự án này, và thực tế họ đang tạo môi trường rất cạnh tranh nhằm đàm phán thu hút những dự án như vậy.
Thậm chí, không chỉ các nước đang phát triển như Việt Nam mà cả các nước phát triển như Mỹ cũng đang có những hỗ trợ rất lớn để thu hút đầu tư của Hàn Quốc trong một số lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư tiên tiến.
Chắc chắn chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn từ Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng để hướng nhà đầu tư tới quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư cuối cùng. Việt Nam hiện đã có những chính sách thu hút FDI rất tốt, nhưng với những dự án quy mô rất lớn thì cần có cơ chế đặc biệt hơn nữa chứ không phải chỉ áp dụng cơ chế thông thường hay luật hiện hành.
Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam tiếp tục cởi mở và đưa ra những phương án hỗ trợ tích cực hơn, thậm chí không thua kém những nước đang phát triển. Chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như vậy không chỉ có lợi riêng cho doanh nghiệp FDI mà còn mang đến lợi ích lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước và toàn nền kinh tế.
Vấn đề quan trọng nữa là phục hồi nguồn nhân lực sau đại dịch COVID-19. Chính phủ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần nỗ lực hơn nữa, làm sao cung cấp nguồn lao động dồi dào và chất lượng cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.
PV: Xin cảm ơn ông!