Sân bay bị hạn chế hoạt động, ngành hàng không mất mùa vì Covid-19

05:13 | 12/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Bộ GTVT đã tạm dừng khai thác loạt đường bay giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi ngày ảm đạm của ngành hàng không kéo dài từ suốt đầu năm 2021.

Theo đó, một số đường bay sẽ bị tạm dừng bao gồm: Cần Thơ - Hà Nội và ngược lại, Phú Quốc - Hà Nội và ngược lại; Đường bay giữa TP.Hồ Chí Minh - Hà Nội khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày; Thời gian áp dụng từ 00h00 ngày 22/7/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không dựa vào quy định hiện hành, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để kịp thời chủ động điều phối các hãng hàng không khai thác vận chuyển hành khách phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh.

Đồng thời, lưu ý ưu tiên phục vụ công tác công vụ, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh; hạn chế tối đa số lượng chuyến bay đến sân bay Nội Bài. Riêng đối với đường bay giữa thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội, căn cứ nhu cầu thực tế, giảm khai thác xuống dưới 2 chuyến/ngày. 

Sân bay bị hạn chế hoạt động, ngành hàng không mất mùa vì Covid-19 - ảnh 1

Hình ảnh vắng vẻ tại sân bay Nội Bài mùa dịch. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị

Trong khi đó, suốt từ tháng 6 đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất cũng liên tục phải giảm tần suất, dừng chuyến bay hai chiều giữa các tỉnh khi làn sóng dịch bệnh bùng phát tại địa bàn Tp.HCM. 

Vào hồi tháng 6, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản yêu cầu giới hạn số chuyến bay nội địa đến, đi sân bay Tân Sơn Nhất trong khoảng 2 tuần tới các hãng hàng không. Sang đến tháng 7, tình hình dịch COVID-19 vẫn không có dấu hiệu lắng xuống nên Cục tiếp tục cho tạm dừng khai thác các đường bay từ TP HCM đến Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh. 

Chính vì vấn đề liên tục giảm tần suất bay, dừng khai thác các đường bay bởi dịch nên có thể ví COVID-19 như một cơn bão cuốn đi phần lớn nguồn thu nhập, lợi nhuận trong năm 2021 của ngành  hàng không. 

Hai đợt dịch bùng phát liên tiếp vào khoảng đầu năm và mùa hè đã đánh gục hai cao điểm về lượng hành khách. 

Đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu bay của hành khách nhanh chóng hạ nhiệt. Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn ghi nhận 18.367 lượt khách trong ngày 13/5, 18.051 lượt trong ngày 14/5, 17.791 lượt trong ngày 15/5 và 19.650 lượt trong ngày 16/5.

Chỉ trong nửa tháng, lượng khách bay tại cảng hàng không giảm chỉ còn 10% so với đỉnh lượng khách mới lập.

Tình hình tiếp tục trở nên trầm trọng hơn trong khoảng thời gian đầu cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Lượng khách tại Tân Sơn Nhất chỉ còn khoảng 3.000 lượt khách/ngày, giảm chỉ còn 2,7% so với đỉnh khách ngày 29/4. Do đó, có thể kết luận được rằng mọi nỗ lực kinh doanh nhằm đạt được nguồn thu trong dịp cao điểm 30/4 - 1/5 trước đó của các hãng hàng không coi như đã "đổ bể". 

Trước đó, dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2021 cũng diễn ra không thuận lợi với ngành hàng không Việt. Vào thời điểm tháng 12/2020, giá vé vẫn ở mức tương đương mọi năm khi những chuyến bay mở bán sớm có tỷ lệ lấp đầy tốt, thậm chí có thời điểm giá nhanh chóng chạm mốc 6-7 triệu đồng thì tới tháng 1 khi xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, mọi chuyện đã thay đổi 180 độ.

Giá vé máy bay nhanh chóng giảm sâu. Đầu tháng 1, giá vé khứ hồi rẻ nhất trên trục vàng chặng Tp.HCM đã bao gồm thuế phí nhích nhẹ xuống mức 5,7 triệu đồng, rồi hạ xuống 4,6 triệu đồng vào giữa tháng 1.

Tới cuối tháng 1, các hãng còn ngậm ngùi hạ giá xuống 4 triệu đồng và tới đầu tháng 2, thời điểm cận Tết, giá vé xuống thấp kỷ lục, có lúc chỉ còn 2,5 triệu đồng khứ hồi Tp.HCM - Hà Nội. Đây được coi là mức giá không tưởng so với dịp cao điểm Tết nguyên đán mọi năm. 

Hãng hàng không muốn áp giá sàn vé để cứu vớt doanh thu?

Cú "quay xe" lượng khách 30/4 - 1/5, kèm với một cao điểm Tết Nguyên đán kinh doanh không như ý khi giá vé bán ra chỉ bằng 25-30% so với cùng kỳ báo hiệu một năm 2021 với màu xám về doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính của các hãng hàng không. 

Chính vì vậy, Vietnam Airlines (mã CP: HVN) - hãng hàng không quốc gia lớn nhất Việt Nam đang đề xuất  áp giá sàn vé máy bay. Vấn đề này đang được Cục Hàng không đang 'nghiên cứu, xem xét' báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT). 

Lập luận của hãng cho rằng nếu các hãng tiếp tục bán vé giá thấp thì sẽ ảnh hưởng đến Vietnam Airlines và ngành hàng không, dẫn đến hãng hàng không Việt yếu đi khi mở bay quốc tế cạnh tranh với hãng nước ngoài trong bối cảnh đại dịch khiến các hãng phải chịu cảnh không có doanh thu. 

Không biết đây là lần thứ mấy HVN đưa ra đề xuất này, bởi trước đó đều bị cơ quan có thẩm quyền từ chối. 

Tuy nhiên, đề xuất này hiện liên tục bị dư luận và các chuyên gia phản đối. Việc áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh phát triển của các hãng hàng không, tước bớt quyền lựa chọn của hành khách và cản trở phục hồi nền kinh tế. Đề nghị của HVN đã đi ngược lại quy định trong Luật Cạnh tranh và Luật Hàng không. Thực tế, chỉ có mỗi Vietnam Airlines đề xuất vấn đề này, trong chưa thấy tín hiệu đồng tình từ các hãng hàng không tư nhân. 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống trả lời báo Dân Việt rằng, nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ tước bỏ cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân. 

Đại dịch đang phức tạp tại Việt Nam. Nhiều ngành hàng không và du lịch đang có nhiều kế hoạch kích cầu du lịch, kích cầu đi máy bay, thì việc áp giá sàn vé máy bay sẽ chẳng còn các gói giá như vé máy bay 0đ để hút khách sau chuỗi ngày giãn cách. 

Mỗi hãng hàng không đều có kế hoạch, chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh riêng biệt, nên việc áp giá sàn để thực hiện cho công bằng sẽ là vấn đề nan giải. Trong trường hợp các hãng cùng mức giá máy bay sàn như nhau sẽ làm giảm tính cạnh tranh và hàng không sẽ không phát triển được. 

Không có sự khác biệt về giá thì không có lý do gì hành khách sẽ chọn máy bay giá rẻ, sự bình đẳng giữa hãng hàng không nhà nước và tư nhân sẽ biến mất. 

H.S

Xem thêm: Thanh Hóa 'chơi lớn' khi đón đồng bào xa xứ hồi hương bằng máy bay của tập đoàn FLC