Sản xuất công nghiệp tăng 9,4%: Thêm một động lực cho phục hồi kinh tế

Tố Uyên 16:42 | 29/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tháng 4/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

IIP tháng 4 tăng 9,4% so với năm ngoái, ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ

Theo Tổng cục thống kê, tháng 4/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động nguồn lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi và mở rộng. 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo ghi nhận mức tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, thời điểm trước dịch COVID-19); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%; ngành khai khoáng tăng 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 2 điểm phần trăm so với con số của năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3%, thấp hơn mức 12,1% cùng kỳ năm 2021, đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II không chỉ tăng cao so với cùng kỳ năm trước mà còn vượt mức tăng của cùng kỳ năm 2019. Theo đó, cao nhất là ngành sản xuất phục trang với mức tăng 20,1%, tăng 2,5 lần so với con số của năm 2019. Tiếp theo là ngành sản xuất thiết bị điện tăng 19,1%, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2019....

Tính theo địa phương; trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (so với cùng kỳ năm trước) tăng ở 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương là Hà Tĩnh và Trà Vinh, mức giảm lần lượt là 7,9% và 19,7%.

Tính theo sản phẩm, một số sản phẩm duy trì được mức tăng chỉ số sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái là linh kiện điện thoại, các sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên, ô tô, thép cán... Ở chiều ngược lại một số sản phẩm dù ghi nhận mức tăng đáng kể trong năm 2021 nhưng lại giảm trong 4 tháng đầu năm là tivi, điện thoại di động, sắt và thép thô...

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2022 đã ghi nhận tín hiệu tăng tích cực, tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,9% so với cùng thời điểm năm trước.

Nhiều "lực đẩy" cho sản xuất tăng trưởng

Trước đó, Chứng khoán Mirae Asset (MAS) dự báo tại báo cáo vĩ mô quý III mang tên "Tạo nền bứt phá" rằng tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 5,9% trong kịch bản cơ sở, tăng so với mức 5,7% trong các dự báo trước đó, do kỳ vọng ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ hơn cùng với các động lực mạnh mẽ từ sự kết hợp của các yếu tố: sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, thu hút vốn FDI, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng.

Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) gần đây cũng nhận định nhiều ngành sản xuất sẽ nhận được động lực hỗ trợ đáng kể từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ mà Chính phủ đang thúc đẩy triển khai.

Chẳng hạn, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được kỳ vọng mang đến nhiều tác động tích cực chính bao gồm giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá, qua đó vừa kích cầu tiêu dùng vừa kích thích doanh nghiệp gia tăng sản xuất.

Hay chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường tới 50% cho một số mặt hàng xăng dầu cũng được đánh giá là biện pháp phù hợp giúp giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, qua đó giảm chi phí sản xuất, chi phí vận tải cho doanh nghiệp, tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cũng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp trong nhiều ngành kinh tế tháo gỡ "rào cản" về vốn, lãi suất cao, chi phí, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Mặc dù vậy, VEPR cảnh báo một số yếu tố có thể tạo thành thách thức cho nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng, chẳng hạn đà lạm phát toàn cầu gây áp lực làm tăng giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, qua đó gia tăng chi phí sản xuất trong nước. Hay ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc tác động đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.