Sản xuất suy giảm mạnh, thâm hụt thương mại của Mỹ lên tới 44 tỷ USD
Báo cáo của bộ trên khẳng định nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu đều suy giảm trong tháng 3 một phần là do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi nhiều doanh nghiệp phải hạn chế hoạt động hay thậm chí là ngừng hoàn toàn. Hoạt động đi lại của người dân trên khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở các nước.
Cũng trong tháng 3, hoạt động sản xuất của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Chỉ số hoạt động sản xuất toàn quốc của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) đã giảm từ 49,1 điểm trong tháng 3 xuống 41,5 điểm trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Đây cũng là mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy sự sa sút trong lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm 11% nền kinh tế Mỹ.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự đoán chỉ số trên thậm chí sẽ giảm xuống 36,9 điểm trong tháng 4. Mức giảm ít hơn dự đoán trong chỉ số của ISM được cho là nhờ sự gia tăng trong chỉ số phụ về thời gian giao hàng của các nhà cung cấp từ 65 điểm trong tháng 3 lên 76 điểm.
Thời gian giao hàng kéo dài thường được liên hệ với một nền kinh tế mạnh và nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thời gian giao hàng chậm hơn lại cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung do dịch COVID-19 chứ không phải là nhu cầu mạnh hơn.
Bên cạnh đó, chỉ số phụ về số đơn hàng mới đã giảm từ 42,2 điểm trong tháng Ba xuống 27,1 điểm trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Đây cũng là mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 4/1951.
Trong 18 ngành, chỉ có các nhà sản xuất giấy và thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm thuốc lá ghi nhận số đơn đặt hàng gia tăng. Điều này phù hợp với tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng thực phẩm và các sản phẩm giấy, như giấy vệ sinh.
Với số đơn đặt hàng sụt giảm như vậy, các nhà máy đã cắt giảm nhân sự trong tháng trước. Chỉ số phụ về việc làm đã giảm từ 43,8 điểm trong tháng Ba xuống 27,5 điểm trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ tháng 2/1949, và cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1948.
Điều này càng củng cố những đồn đoán của giới chuyên gia rằng báo cáo việc làm của chính phủ sẽ được công bố vào ngày 8/5 sẽ cho thấy con số kỷ lục hơn 20 triệu người mất việc làm trong tháng trước, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt cả mức cao kỷ lục gần 11% ghi nhận trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai hồi tháng 11/1982. Trong tháng Ba, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,9 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1975, lên 4,4%.
Kết quả khảo sát nói trên của ISM đã bổ sung vào một loạt các số liệu ảm đạm được công bố trong tuần này, trong đó có sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng trong tháng 3 và số người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên đến 30,3 triệu người trong sáu tuần vừa qua.