Sáng cửa cho nông sản Việt vào thị trường Nhật sau chuyến thăm của Thủ tướng Suga Yoshihide

12:57 | 20/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết, hai bên đã thỏa thuận và nhất trí thúc đẩy sớm mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam và quả quýt unshu Nhật Bản.
Như đã đưa tin, chiều 18/10, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân đã bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Suga Yoshihide sau khi nhậm chức. Ông Suga Yoshihide là vị Thủ tướng Nhật Bản thứ 2 liên tiếp lựa chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Nói về việc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Suga cho biết: "Sẽ hợp tác để sớm thực hiện việc xuất khẩu quýt unshu Nhật Bản sang Việt Nam, đơn giản hóa cơ chế giám sát kiểm tra, mở cửa cho nhãn Việt Nam vào thị trường Nhật Bản". 
 
Hiện, Nhật Bản là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỷ USD, nhập khẩu 7,77 tỷ USD.
 
Trong nhóm hàng xuất sang Nhật thì nông thủy sản là mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh nhất với kim ngạch xuất khẩu 567,5 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, cà phê tăng 15%, hàng rau quả tăng 26,4%, hạt điều tăng 52,4%...

 
Nhật Bản hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Suga và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi hội đàm ngày 19/10

Đại dịch COVID-19, khiến nguồn cung nguyên liệu và đầu ra sản phẩm của các ngành sản xuất, nhất là các ngành có giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản thông qua kênh bán lẻ được xem là một trong những "giải pháp tình thế" của doanh nghiệp Việt.
 
Năm 2019, giá trị xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam tính riêng qua hệ thống Aeon đã đạt 381 triệu USD, trong đó 75% là hàng may mặc. Trước đó vào ngày 23/06, lô vài thiều xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam đã tới Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận 19 mã số vùng trồng ở huyện Yên Thế, Lục Ngạn nhập khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất châu Á. Tập đoàn Aeon là nhà bán lẻ đầu tiên giới thiệu và bán vải thiều tươi tại thị trường Nhật. 
Lô vải thiều của Việt Nam có mặt trên kệ hàng của 250 trung tâm bách hóa tổng hợp, siêu thị và cửa hàng Aeon Style tại Nhật Bản là tín hiệu lạc quan cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này.
 
Các điều kiện nhập khẩu của thị trường Nhật buộc doanh nghiệp Việt phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng.
 
Ví dụ, theo bà Nguyễn Thị Duy Xuân - Giám đốc bộ phận Quản lý nhà cung cấp của Aeon Việt Nam cho biết, có 6 điều kiện mà DN phải đảm bảo nếu muốn đưa hàng vào Aeon Nhật Bản bao gồm: sản phẩm không được có điều tiếng về chất lượng, có đủ giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam, điều kiện vận chuyển phải phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng… theo quy định Việt Nam. Việc sử dụng thuốc, phụ gia trong sản xuất phải tuân thủ quy định Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 6,48 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm 2019. Nhóm chế biến, chế tạo có kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam mạnh nhất ở mức 5,35 tỷ USD, tăng 11,9%. Các nhóm còn lại lần lượt tăng trưởng ở mức trên 8% so với cùng kỳ 2019.



 
Hương Quỳnh (t/h)