Sắp khởi công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng ll
Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 149 ha, thuộc xã Kỳ Lợi, phường Kỳ Trinh và Kỳ Long (thị xã Kỳ Anh). Nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất 1.330MW. Dự án sẽ xây dựng nhà máy chính, cầu cảng bốc dỡ than, bãi thải tro xỉ, các công trình phụ trợ liên quan tại thôn Hải Phong xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Dự án nằm liền kề với nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I. Nhà máy có tổng 9 hạng mục xây dựng chính, bao gồm; khu vực nhà máy chính, đường vào nhà máy, bãi thi công ban đầu, hệ thống nước làm mát và trạm bơm nước cầu cảng, bãi thi công bổ sung, đường xả làm mát kéo dài của VA1, khu nhà ở cán bộ và công nhân, bãi đổ đất hữu cơ, khu vực bãi chứa xỉ và đường ống chuyển xỉ.
Theo Phó giám đốc Công ty VAPCO Hoàng Trọng Bính, VAPCO hiện đã đã hoàn tất các thủ tục cần thiết như hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện (PPA) và bảo lãnh chính phủ (GGU), hợp đồng thuê đất..."Theo kế hoạch, dự kiến vào đầu tháng 12 sắp tới, VAPCO sẽ tổ chức khởi công xây dựng nhà máy", ông Hoàng Trọng Bính cho biết.
Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng II sẽ được thực hiện xây dựng bởi các tổng thầu và nhà thầu chính gồm liên doanh Công ty TNHH Xây dựng & Công nghiệp nặng Doosan và Tập đoàn Samsung C&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương. Dự kiến, vào quý III/2025 dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thương mại.
Trước đó, vào tháng 8/2021 HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho phép chuyển mục đích sử dụng 24,42ha rừng sang thực hiện dự án nhà máy điện BOT Vũng Áng II. Theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Tĩnh trong 24,42 ha đất rừng xin chuyển đổi có 9,95 ha rừng phòng hộ; 9,31 ha rừng sản xuất và 5,6 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Khu vực đất rừng xin chuyển đổi là rừng trồng một số loại cây như keo, bạch đàn... nằm trên địa bàn hành chính xã Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Diện tích đất rừng do cộng đồng thôn quản lý là 1,08 ha; hộ gia đình quản lý 23,34 ha. Số diện tích đất rừng chuyển đổi sẽ dùng thực hiện một số hạng mục của dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng 2, như hạng mục tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ống làm mát, trạm bơm...
Theo các quyết định trước đây của UBND tỉnh Hà Tĩnh, diện tích rừng chuyển đổi này phù hợp với số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Hà Tĩnh năm 2020, cũng như điều chỉnh quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh này. Việc xin chuyển đổi đất rừng sang thực hiện dự án, là cơ sở để các cơ quan liên quan triển khai các bước tiếp theo về thủ tục, hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vũng Áng II có tổng mức đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, Dự án có trong quy hoạch VI (giai đoạn 2006-2015) do Lilama làm chủ đầu tư, công suất 1.200 MW. Năm 2009, dự án này chuyển đổi chủ đầu tư, hình thức đầu tư sang BOT và được xét duyệt lại vào quy hoạch điện VII, VII điều chỉnh
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO), với tỷ lệ cổ đông góp vốn ban đầu gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy (Hong Kong(Trung quốc) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.
Giai đoạn 2011-2018 diễn ra việc chuyển nhượng, mua bán lại cổ phần tại VAPCO. Cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại 40% cổ phần tại dự án điện Vũng Áng II. Hiện tại, "ông lớn" Mitsubishi cùng với 1 doanh nghiệp ngành điện của Nhật Bản đang nắm giữ 60% cổ phần còn lại tại VAPCO.
Trước đó, theo báo cáo tiến độ thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vũng Áng 2 của VAPCO ngày 16/7/2019, các hợp đồng dự án (hợp đồng BOT, hợp đồng mua bán điện (PPA) và Bảo lãnh Chính phủ (GGU), hợp đồng thuê đất (LLA) đã được ký tắt), phía VAPCO đã hoàn tất. Dự kiến sẽ khởi công vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp từ dịch Covid-19 nên ảnh hướng tới tiến độ dự án.
Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng - tỉnh Hà Tĩnh và là dự án BOT nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dự kiến khi nhà máy điện BOT Vũng Áng II vận hành sẽ cung cấp hơn 8,5 GWh một năm, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động địa phương và góp ngân sách 300 tỷ đồng mỗi năm.
Xem thêm: EVN ký thỏa thuận vay 27.100 tỉ đồng với Vietcombank để làm dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1