Sau 3 quý lỗ ròng liên tiếp, Nam Kim (NKG) dự báo có lãi trở lại trong quý II

Thùy Dương 08:29 | 11/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau ba quý lỗ ròng liên tiếp, CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) được dự báo sẽ có lãi trở lại trong quý II này khi giá vốn hàng bán cũng như giá cước tàu biển giảm mạnh. Dù vậy, tình hình kinh doanh trung hạn của doanh nghiệp vẫn dự kiến đối diện nhiều thách thức khi nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu phục hồi chậm.

Thép Nam Kim có thể có lãi trở lại trong quý II

Quý vừa qua, Thép Nam Kim ghi nhận khoản lỗ 50 tỷ đồng, quý lỗ thứ ba liên tiếp nhưng mức lỗ đã giảm đáng kể so với hai quý trước đó. Cụ thể, doanh nghiệp báo lỗ ròng trong quý 49,2 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức lãi 507 tỷ đồng cùng kỳ 2022 nhưng đã phục hồi đáng kể so với con số lỗ ròng 356 tỷ đồng của quý IV/2022 và lỗ ròng 419 tỷ đồng của quý III/2022. Doanh thu thuần công ty đạt 4.380 tỷ đồng, giảm 39% (so với cùng kỳ) svck và tăng nhẹ so với quý liền trước.

Sản lượng tiêu thụ trong quý đạt 194 nghìn tấn và giảm 25% svck nhưng phục hồi 6,2% so với quý IV/2022 nhờ sản lượng xuất khẩu tăng 14,1%, tương đương với công suất hoạt động là 70%.

Trong bối cảnh những thách thức lớn nhất đã qua, ban lãnh đạo NKG đang kỳ vọng quý II sẽ có lãi nhờ sự phục hồi các đơn đặt hàng xuất khẩu. NKG đã đảm bảo các đơn đặt hàng xuất khẩu trong 2 tháng tới. Sản lượng xuất khẩu hàng tháng có thể duy trì ở mức khoảng 50.000 tấn như trong tháng 3, cải thiện từ mức trung bình 30.000 tấn/tháng trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của NKG là Châu Âu, Canada và Mỹ.

Theo báo cáo phân tích mới nhất về triển vọng doanh nghiệp từ CTCK Rồng Việt (VDSC) ngày 5/6, nhóm phân tích cũng kỳ vọng quý II sẽ là quý có kết quả kinh doanh tốt nhất của NKG trong năm nay nhờ cả 2 yếu tố sản lượng và giá đều thuận lợi. 

Cho quý II, VDSC ước tính lợi nhuận gộp, lợi nhuận trước thuế và lãi (EBIT), lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 454 tỷ đồng, 223 tỷ đồng và 178 tỷ đồng nhờ sản lượng bán hàng có thể hồi phục đều ở các nhóm hàng và các thị trường so với quý I, từ đó biên lãi gộp có thể được cải thiện lên mức gần 10%.

Triển vọng kinh doanh cả năm 2023 vẫn đứng trước nhiều thách thức

Dù kỳ vọng Nam Kim có lãi trở lại trong quý II, nhóm phân tích VDSC dự báo sản lượng bán hàng của NKG trong các quý còn lại của năm nhiều khả năng vẫn chưa có tín hiệu hồi phục mạnh mẽ khi nhu cầu tôn mạ xuất khẩu còn mờ nhạt. Bên cạnh đó, nhu cầu tôn mạ và ống thép trong nước chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng bán hàng của NKG. Điều này kết hợp với lượng hàng tồn kho khá lớn và giá HRC diễn biến phức tạp dẫn đến kết quả kinh doanh trong ngắn và trung hạn của NKG chứa nhiều sự không chắc chắn. Ngoài ra, công ty còn phải chịu gánh nặng từ chi phí tài chính và chi phí quản lý bán hàng. 

Theo đó, VDSC dự báo kết quả kinh doanh 2023 của công ty sẽ thấp hơn kế hoạch được thông qua trong ĐHĐCĐ là doanh thu 20.000 tỷ đồng, giảm 13% và lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng (cùng kỳ âm 46 tỷ đồng). 

 

Cụ thể, với giả định giá HRC cả năm đạt trung bình 680 USD/tấn, VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp cả năm của NKG có thể đạt 6,4%, tương đương năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ cả năm được dự phóng bằng với năm trước, tuy nhiên doanh thu giảm 19% chủ yếu do mặt bằng giá HRC thấp hơn hẳn (680 USD so với 876 USD).

Dựa trên các giả định trên, VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của NKG ở mức 246 tỷ đồng (cùng kỳ âm 124 tỷ đồng).

Chung nhận định thận trọng, CTCK SSI Research cũng cho biết nhu cầu thép xây dựng nội địa sẽ tiếp tục suy yếu trong vài quý tới khi thị trường bất động sản chưa thực sự ấm lên. Ngoài kênh dự án, kênh xây dựng dân dụng cũng có dấu hiệu giảm sút và được phản ánh qua mức giảm 18% của số lượng cấp phép xây dựng tại TP HCM cũng trong quý I.

Trong khi đó, nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC có thể ổn định hơn nhờ nhu cầu xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu và châu Á.

Một rào cản khác của ngành là giá thép đã quay đầu giảm từ tháng 4. Trong đó, giá thép xây dựng đã 4 lần giảm giá, còn giá thép HRC hạ xuống mức 630 USD/tấn.

 Ảnh: SSI Research.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. SSI nhận định việc điều chỉnh giá thép sẽ gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn của các doanh nghiệp thép nói chung và NKG nói riêng.

Ngoài ra, nhóm phân tích còn lưu ý rằng thuế tự vệ đối với phôi thép (11,3%) đã hết hiệu lực từ tháng 3, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng. Do đó, giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, Thép Nam Kim vẫn còn điểm sáng nếu đạt được yếu tố thuận lợi về giá vốn hàng bán và giá cước tàu biển - 1 trong những chỉ số đáng chú ý về về chi phí logistic.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, trong báo cáo của CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) (ngày 24/5), các chuyên gia dự báo lợi nhuận của NKG sẽ hồi phục khi giá vốn hàng bán cũng như giá cước tàu biển giảm mạnh.

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2022, cước tàu biển tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến chi phí bán hàng của NKG tăng rất cao. Ước tính chi phí logistic chiếm đến 50% - 65%/chi phí bán hàng của NKG ở giai đoạn này. Với việc chỉ số giao nhận hàng hóa container tàu rời (BDI) đã giảm 71% từ đỉnh quý IV/2021, MAS dự phóng NKG tăng được 1,9% biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) nhờ tiết giảm chi phí logistic trong năm 2023.

Cho năm 2023, nhóm phân tích dự báo sản lượng thép NKG đạt 798.770 tấn, giảm 6,9% và sẽ tăng 9,4% lên 873.680 tấn vào năm 2024. Cùng đó, doanh thu và lãi ròng dự phóng cho cả năm lần lượt là 18.852 tỷ đồng và 461 tỷ đồng.