Thêm doanh nghiệp lớn ngành thép thua lỗ hai quý liên tiếp, doanh thu giảm quá nửa
Theo báo cáo tài chính quý IV hợp nhất mới được công bố, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) đạt doanh thu thuần 4.300 tỷ đồng trong ba tháng cuối năm 2022, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán chỉ giảm với tốc độ 42% xuống còn 4.449 tỷ, dẫn tới khoản lỗ gộp 149 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi gộp 1.058 tỷ đồng của quý IV/2021. Chi phí bán hàng kỳ này của Nam Kim chỉ là 152 tỷ đồng, giảm 70%. Chi phí quản lý doanh nghiệp là gần 45 tỷ, gấp đôi cùng kỳ.
Sau khi hạch toán hết các nguồn thu nhập và chi phí, Nam Kim báo lỗ sau thuế hơn 356 tỷ đồng trong quý IV/2022. Đây là quý lỗ gộp và lỗ ròng thứ hai liên tiếp của doanh nghiệp chuyên về tôn mạ và ống thép này.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu của Nam Kim giảm 18% còn gần 23.100 tỷ đồng, lãi gộp sụt 64% còn 1.542 tỷ, lỗ sau thuế 66,7 tỷ trong khi năm trước có lãi hơn 2.200 tỷ. Đây là năm thua lỗ đầu tiên của Nam Kim trong một thập kỷ.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư công bố ngày 30/12, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) từng dự báo Nam Kim lỗ sau thuế 744 tỷ đồng trong năm 2022, lớn gấp 11 lần số lỗ thực tế mới được thông báo. Với năm 2023, VDSC dự báo Nam Kim sẽ tiếp tục lỗ 359 tỷ.
Trước Nam Kim, doanh nghiệp lớn nhất ngành thép Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cũng công bố kết quả kinh doanh quý IV đầy u ám với khoản lỗ kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng, doanh thu giảm 42%.
Tổng cộng hai quý III và IV/2022, Hòa Phát lỗ khoảng 3.800 tỷ. Lũy kế cả năm, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long vẫn có lãi thuần khoảng 8.400 tỷ.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN) cũng báo lỗ 410 tỷ đồng trong quý IV, gấp gần hai lần số lỗ 212 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Lũy kế cả năm 2022, VNSteel lỗ sau thuế 822 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 859 tỷ của năm trước.
Toàn ngành tôn mạ năm vừa qua ghi nhận sản lượng bán hàng gần 4,2 triệu tấn, giảm 21,8% so với 2021. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường xuất khẩu khó khăn khi sản lượng giảm 38% xuống còn gần 2,1 triệu tấn, tỷ trọng khối lượng xuất khẩu trong tổng tiêu thụ giảm từ 63% còn 50%.
Nam Kim sản xuất 730.100 tấn tôn mạ và bán ra 706.700 tấn, chiếm 16,9% thị phần tiêu thụ toàn ngành. So với năm trước, sản lượng tiêu thụ năm 2022 của Nam Kim giảm 24,2%, tương đồng với mức giảm 23,4% của Hòa Phát và khả quan hơn tốc độ lao dốc 37,6% của Hoa Sen. Tôn Đông Á chỉ giảm 4,1% sản lượng bán ra.
Trong năm 2021, Nam Kim từng đứng thứ 2 về thị phần tôn mạ, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen. Đến năm 2022, Nam Kim rơi xuống vị trí số 3, sau Hoa Sen và Tôn Đông Á.
Ở thị trường ống thép, Nam Kim sản xuất 162.300 tấn và tiêu thụ gần 168.600 tấn, nắm giữ 6,42% thị phần. So với năm 2021, sản lượng bán hàng của Nam Kim tăng trưởng 14,4% trong khi Hòa Phát chỉ tăng 10,9%, Hoa Sen sụt 22%, Minh Ngọc giảm 1,6%.
VDSC cho rằng khối lượng bán tôn mạ của Nam Kim trong năm 2023 sẽ giảm 2,4%. Trong đó, xuất khẩu được dự báo sẽ giảm 7,6% vì cạnh tranh gay gắt và tiêu thụ kém trong nửa đầu năm do lạm phát cao; bán hàng trong nước có thể tăng 10,7% nhờ Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Kết phiên gần đây nhất 19/1, giá cổ phiếu NKG dừng ở 15.500 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa 4.081 tỷ đồng.