Sau 8 năm khởi xướng, Thái Lan đã sẵn sàng cho việc ký kết hiệp định RCEP

22:19 | 07/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết các đối tác đối thoại dự kiến sẽ ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 14/11 tới với sự hỗ trợ của công nghệ hình ảnh nổi ba chiều (hologram).
Theo đó, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit sẽ đại diện cho Thái Lan ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tại hội nghị cấp cao sắp tới bất chấp đại dịch kéo dài. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay, rất khó để tổ chức các cuộc gặp trực tiếp.
 
Vì vậy, việc ký kết sẽ được thực hiện thông qua ảnh ba chiều với sự tham gia của các bộ trưởng kinh tế các nước vào ngày 14/11. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất cách tiếp cận độc đáo này.
 
Theo bà Auramon- Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sau khi ký hiệp định, Vụ Đàm phán thương mại sẽ công bố các chi tiết của thỏa thuận trên trang web của vụ bằng cả tiếng Thái và tiếng Anh. Bộ Thương mại dự kiến sẽ đề nghị Quốc hội Thái Lan phê chuẩn vào năm tới.
 
Theo quy trình phê chuẩn nghị viện, nếu một nửa số quốc gia thành viên RCEP (ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia ngoài ASEAN) phê chuẩn thì hiệp định sẽ được thực thi ngay lập tức.
 
Trước đó, Vụ Đàm phán Thương mại đã khảo sát các thị trường xuất khẩu của Thái Lan và nhận thấy những sản phẩm sẽ hưởng lợi từ việc miễn thuế theo RCEP là trái cây, dầu thực vật, ngũ cốc, hải sản, thực phẩm chế biến và nước ép trái cây.
 
Sau 8 năm khởi xướng, Thái Lan đã sẵn sàng cho việc ký kết hiệp định RCEP - ảnh 1
Nhiều nông sản Việt được ưa chuộng tại thị trường Thái Lan. 
 
Theo thống kê, xuất khẩu nông sản của Thái Lan trong năm 2019 sang 16 nước RCEP đạt 25,2 tỷ USD, chiếm 62,2% tổng nông sản xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Trong năm tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông sản của Thái Lan sang các nước RCEP có giá trị 10,8 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Những mặt hàng của Thái Lan nhận được nhu cầu lớn hơn trong năm nay là trái cây tươi và đông lạnh (tăng 22%), thịt gà tươi và đông lạnh (tăng 12,12%), trái cây đóng hộp và chế biến (tăng 6,7%) và nước ép trái cây (tăng 10,2%).
 
Đối với thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan trong gian đoạn 2016 – 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với tất cả các nước trong ASEAN.
 
Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Thái Lan chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN. Thái Lan luôn duy trì vị trí thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam trong ASEAN.
 
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trao đổi thương mại song phương Việt Nam và Thái Lan trong 9 tháng năm 2020 giảm 12,2%. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 3,616 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Thái Lan giảm 12,4%, đạt 7,713 tỷ USD.
 
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (AustraliaTrung QuốcNhật BảnHàn Quốc và New Zealand).
Hương Lan (T/h)