Sau Huawei, TikTok, Mỹ tiếp tục cân nhắc cấm công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa cho biết Chính quyền nước này đang xem xét việc đưa ra lệnh cấm, giới hạn xuất khẩu đối với SMIC - công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc trong thời điểm hiện tại.
Sau hàng loạt lệnh cấm đối với Huawei, TikTok, Wechat,..., chính quyền Donald Trump lại đang tiếp tục xem xét việc đưa thêm một công ty công nghệ lớn vào danh sách đen. Đó là SMIC - át chủ bài của Trung Quốc trong ngành sản xuất thiết bị bán dẫn. Thành lập vào 20 năm trước, SMIC nhiều năm nay đều lọt top 5 nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất toàn cầu. Thông tin này được một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời Đài CNBC vào ngày 05/09.
Cụ thể, Mỹ nghi ngờ SMIC có sự liên hệ chặt chẽ với Chính phủ và quân đội Trung Quốc. Trước đây, SMIC vẫn có công nghệ khá tụt hậu so với các công ty Đài Loan hay Mỹ. Nhưng từ khi được Nhà nước Trung Quốc bơm hàng tỷ USD vào thì SMIC đã có những bước nhảy vọt thần kỳ trong thời gian ngắn. Công ty được hưởng sự giúp hết sức hào phóng từ chính phủ, từ giãn thuế cho đến vay lãi thấp và các chính sách ưu tiên. Đến nay, nhà nước Trung Quốc đã sở hữu 45% cổ phần công ty này dù ban đầu nó là doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn. SMIC cũng là một trong những nhà sản xuất cung cấp chip cho Huawei.
SMIC là nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghệ của Trung Quốc.
Tuy có quy mô lớn mạnh, các chuyên gia phương Tây vẫn cho rằng SMIC nói riêng và nhiều công ty sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc vào công nghệ như phần mềm và thiết bị của Mỹ. Đưa SMIC vào danh sách hạn chế thì mọi đơn hàng xuất khẩu của Mỹ cho công ty sẽ trải qua quy trình rà soát chặt chẽ hơn rất nhiều. Ngược lại, việc áp đặt kiểm soát cũng có thể gây ảnh hưởng cho các công ty Mỹ bán công nghệ sản xuất chip cho nhà sản xuất Trung Quốc.
Đây không phải lần đầy Mỹ cấm công ty sản xuất công nghệ bán dẫn lớn của Trung Quốc. Ngay từ năm 2018, một công ty khác là Fujian Jinhua Intergrated Circuit cũng từng vào danh sách đen vì bị tố cáo ăn cắp bí mật thương mại của công ty Micron của Mỹ.
Sau khi tin tức xuất hiện trên các trang tin truyền thông, SMIC đã nhanh chóng thông báo trên tài khoản WeChat chính thức của mình rằng: "Chúng tôi không có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Mọi giả định về quan hệ giữa công ty với quân đội Trung Quốc đều là phát ngôn không chính xác". SMIC đã bác bỏ cáo buộc tương tự như Huawei. Về phía Bắc Kinh thì vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào được đưa ra.
Chỉ 1 ngày sau khi Chính quyền Mỹ rò rỉ thông tin ban lệnh cấm với SMIC, cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh. Tại sàn chứng khoán Hồng Kông, giá trị cổ phiếu SMIC giảm hơn 23%, thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây. Còn ở sàn Thượng Hải, cổ phiếu giảm 11%.
Đến nay, Mỹ đã ban lệnh cấm hoặc hạn chế với gần 300 công ty Trung Quốc, trong đó ngành công nghệ là gây ảnh hưởng nhất
Vậy là đến thời điểm hiện tại, theo Reuters, chính quyền Mỹ đã có 285 pháp nhân Trung Quốc trong danh sách đen của mình. Việc tiếp tục nhắm vào SMIC - công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc càng làm leo thang tình hình căng thẳng trong cuộc chiến thương mại. Mới gần đây, Mỹ cũng vừa thúc giục các quốc gia khác áp đặt giới hạn với Huawei vì cáo buộc Huawei gửi thông tin của người dùng cho chính quyền Trung Quốc.
Kim Chi (t/h)