Sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội thế nào?

22:34 | 02/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thường vụ Thành uỷ Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về việc thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch.

Phân 3 vùng để siết chặt hoặc nới lỏng giãn cách

Đây là một trong những nội dung thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19, ban hành ngày 1/9.

Theo đó, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, "vùng đỏ" có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó", dập dịch triệt để.

Sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội thế nào? - ảnh 1

Tuyến Hà Nội sầm uất nay im lìm vì giãn cách xã hội. 

Tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn là "vùng xanh", thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ "vùng đỏ".

Ban Cán sự đảng UBND thành phố được giao chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, trang thiết bị y tế... phục vụ phòng, chống dịch lâu dài.

Sở Xây dựng chủ trì lập các chốt cứng theo phương án phân vùng. Lực lượng liên ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông tổ chức trực chốt 24/24/7.

Vẫn còn nhiều ổ dịch phức tạp

Theo Sở Y tế Hà Nội, địa bàn thành phố hiện có 7 ổ dịch mới phức tạp. Nóng nhất là ổ dịch tại quận Thanh Xuân với 3 ổ dịch gồm: Phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân Nam và phường Khương Mai.

Chỉ trong 10 ngày, phường Thanh Xuân Trung, trong đó trọng điểm là ngõ 328, ngõ 330 Nguyễn Trãi có tới 387 ca mắc COVID-19 trên tổng số gần 2.000 nhân khẩu sống tại đây. Rất nhiều người phát hiện dương tính ở lần thứ 3 xét nghiệm.

Lực lượng chức năng đã triển khai giãn cách người dân để giảm mật độ người dân, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Với gần 1.200 người cần di chuyển, công việc này được thực hiện từ tối 1/9 đến ngày 3/9, sau đó chính quyền địa phương tiến hành các giải pháp xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi.

Sau ngày 6/9, Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội thế nào? - ảnh 2

Với ổ dịch ở phường Khương Mai, ca chỉ điểm là bà chủ cửa hàng D&H 218 Lê Trọng Tấn. Từ 29/8 đến sáng 2/9 đã ghi nhận 8 ca dương tính gồm chồng và con của bệnh nhân này; 1 nhân viên tại cửa hàng, 4 trường hợp mua hàng gồm hai mẹ con ở Lê Trọng Tấn và 2 người ở Định Công (Hoàng Mai).

Trưa ngày 2/9, lại có thêm 1 bé trai 2 tuổi ở 210 Lê Trọng Tấn mắc COVID-19, được xác định là F1 của bà chủ cửa hàng, nâng tổng số ca mắc liên quan ổ dịch này lên 9 ca.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết chùm ca nhiễm ở Lê Trọng Tấn là chùm có 2 cửa hàng. Từ chủ cửa hàng sau đó lây lan sang nhân viên, người mua hàng. Người mua sau đó lan sang người thân, tức vòng lây thứ 3.

Ổ dịch mới nhất ở quận Thanh Xuân là ngõ 477 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam. Ca chỉ điểm là anh Đ.X.N, 19 tuổi, ở toà H9. Anh có triệu chứng sốt, ho hôm 28/8 nhưng tới ngày 1/9, anh mới khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Sau ca này, tới trưa nay, ổ dịch này có thêm 4 ca mới, gồm bố mẹ của anh N, phát hiện khi đã cách ly tại nhà và hai mẹ con đến nhà anh này mua hàng.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Thanh Xuân Nam đã phát đi thông báo tìm người đã từng đến mua hàng tại hàng rau quả có địa chỉ phòng 111 H9 ngõ 477 Nguyễn Trãi, từ ngày 18/8 đến 1/9; đến hiệu thuốc Việt Đức địa chỉ số 8/75/20 Nguyễn Trãi, phường Hạ Đình từ ngày 18/8 đến 23/8.

 Tất cả những người đã đến các địa chỉ và trong thời gian nêu trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế phường, Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, CDC Hà Nội để được hướng dẫn…

Lãnh đạo phường Thanh Xuân Nam cho biết, sau khi phường nhận thông tin về các trường hợp dương tính SARS-CoV-2, ngay trong đêm qua, cơ quan chức năng đã tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các công dân trên địa bàn và lân cận.

Đây là địa bàn có nhiều khu tập thể cũ nên công tác sàng lọc rất cẩn thận. Sáng nay, lực lượng chức năng đến tận nhà từng hộ gia đình truy vết và tổ công tác phát phiếu cho người dân để đi xét nghiệm.

Theo Chủ tịch UBND phương Thanh Xuân Nam, chính quyền đã huy động toàn bộ lực lượng, tập trung lấy mẫu xét nghiệm, cố gắng hoàn thành nhanh nhất, càng truy vết nhanh thì càng hiệu quả.

"Giãn cách đã dài ngày, người dân đã mệt mỏi"

Theo Giáo sư, anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, chủ tịch hội Huyết học truyền máu Việt Nam - nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, nếu Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội toàn TP sau ngày 6/9 thì cái giá phải trả quá lớn, cần phải có những giải pháp phù hợp hơn với thực tế.

Ông chia sẻ, thời gian giãn cách 45 ngày người dân cũng đã rất mệt mỏi, nhiều gia đình nguồn lực đã cạn kiệt, nhất là những người lao động, thì việc tiếp tục giãn cách là thử thách lớn với người dân.

"Những gia đình không có tiền tích lũy thì 45 ngày qua tôi cam đoan là thử thách quá lớn đối với họ. Vì vậy lúc này cần tổ chức lại xã hội, trách nhiệm của TP hiện nay không chỉ là chống dịch mà còn phải lo cho người dân việc an sinh xã hội.

Nếu giãn cách xã hội quá lâu mà dịch cứ bùng phát thì tới một ngày nào đó người dân không chịu nổi thì họ cũng sẽ bung ra thôi", GS Nguyễn Anh Trí nói.

P. Giang (T/h)

Từ khóa: #Hà Nội