Kinh tế Hà Nội - 70 năm phát triển: Chuyên gia 'hiến kế' cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Dấu mốc 70 năm phát triển kinh tế Hà Nội
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững” tổ chức sáng 25/6, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đã có những thống kê dấu ấn đặc biệt nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội suốt 70 năm qua.
Theo vị này, vào năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2 với nền kinh tế cũng khá “èo uột” cùng hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Không chỉ thế, GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động TP cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.
Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước.
Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn.
Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.
Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là "thành phố vì hòa bình" và đến năm 2000 thì được vinh danh là Thủ đô anh hùng. Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.
Trên cơ sở đó, chúng ta thấy rằng quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%.
“Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Chuyên gia cũng phân tích thêm, trong những năm gần đây, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trên cơ sở đó, đến năm 2020 trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, kinh tế Hà Nội có bước phát triển cũng rất mạnh mẽ. Vào năm 2022 mặc dù là tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
“Chúng ta cũng hy vọng rằng với đà phát triển trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.
Nhìn nhận về bức tranh kinh tế Hà Nội 70 năm qua, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Có thể nói, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, nhưng ngày nay, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...
Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đúng đắn.
Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.
Hà Nội hiện có một hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh.
Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế).
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.
Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).
Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.
Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh
Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia nhận định, Hà Nội đã có những nghị quyết, đầu tư cơ sở hạ tầng,... để đón các dòng vốn đầu tư. Thêm vào đó, Thủ đô cũng có cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước,... có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng.
Theo TS Lê Quốc Phương, trong thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp. Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
“Để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, theo tôi Hà Nội không nên tập trung theo hướng ưu đãi về thuế, phí… Mà cần phải tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo ra các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đảm bảo theo tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần”, TS Phương đề xuất.
Trong một góc nhìn khác liên quan đến Luật Thủ đô sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá: “Nói về phát triển bền vững, trên cơ sở Luật Thủ đô thì tôi cho rằng TP Hà Nội cần đưa ra được những quy định mà nếu muốn ở Thủ đô thì cần phải đáp ứng. Ví dụ, đơn giản như việc phân loại rác tại nguồn, tại chung cư thì cần đặt ra quy định cụ thể, không thể tùy tiện”.