Sẽ khởi công đường Vành đai 4 vùng Thủ đô trong năm 2023

Đông Bắc 18:21 | 02/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên ký cam kết tiến độ dự án vành đai 4 vùng Thủ đô, đặt mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng để khởi công trước 30/6/2023, đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.

 Mới đây, Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội  tổ chức hội nghị cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư.

 Qua tính toán diện tích đất cần GPMB hơn 1.300 ha. Trong đó, Hà Nội cần thu hồi khoảng 740 ha tại 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín). Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 320 ha tại 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP Bắc Ninh, Gia Bình). Hưng Yên cần thu hồi khoảng 270 ha tại 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).

 Các địa phương cam kết khởi công đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đúng kế hoạch. Ảnh MH.

Lãnh đạo 3 địa phương thống nhất các mốc tiến độ như sau:

Tháng 10/2022 hoàn thành cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bổ sung danh mục kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Tháng 11/2022 tổ chức lập, phê duyệt, cắm mốc giải phóng mặt bằng và bàn giao ranh giới. Phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ban hành quyết định thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, tái định cư xong toàn dự án tháng 12/2023.

Các địa phương phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023 để thi công xây dựng công trình, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2027.

Tuyến vành đai 4 - Vùng thủ đô có tổng chiều dài 112,8 km, chia làm 7 dự án thành phần. Dự án yêu cầu tổng mức kinh phí hơn 85.800 tỷ đồng.

Trong đó, Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm hơn 19.380 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 22.470 tỷ đồng (Hà Nội hơn 19.470 tỷ; Hưng Yên 1.000 tỷ; Bắc Ninh 2.000 tỷ).

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 hơn 14.500 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; nguồn vốn ngân sách địa phương hơn 5.710 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp hơn 29.440 tỷ đồng.

 

 Tuyến đường Vành đai 4 (ảnh: Sở QHKT Hà Nội).

Mới đây, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội mới đây đã có văn bản gửi UBND thành phố báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo đó, đã có 3/5 đoạn chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô  được thành phố phê duyệt. Tổng chiều dài đường đỏ chỉ giới đã được phê duyệt là 43,7 km. 3 đoạn được phê duyêt bao gồm: đoạn 1 từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến cầu Hồng Hà dài 11km; đoạn 2 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài 17,7 km; đoạn 3 từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A dài 15 km.

2 đoạn còn lại có tổng độ dài 14,5km (đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 dài 9,5km và đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở dài 5km) sẽ phê duyệt trong tháng 9/2022.

Về công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng bàn giao cho địa phương, Ban QLDA đã hoàn thành công tác cắm mốc đối với 3 đoạn đã có quyết định phê duyệt chỉ giới với tổng chiều dài 36km.

Hiện còn 22,2km, trong đó có 14,5km chưa phê duyệt chỉ giới và 6,5km đoạn qua sông Đáy, thuộc huyện Hoài Đức đang thống nhất thỏa thuận phương án thiết kế với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cộng với 1,2km thuộc phạm vi một số nút giao dự kiến sẽ cắm xong mốc trong tháng 10/2022.

Riêng các nút giao kết nối với đường song hành sẽ cắm theo thiết kế được duyệt.