Ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu

Đỗ Hương/ Báo Chính phủ 16:40 | 01/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với việc duy trì tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 2,8 - 3%, cao hơn so với Chính phủ giao 2,5 - 2,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.

Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 tiếp tục đạt được kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,79 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết sản lượng lúa đến nay đạt 19,97 triệu tấn, giảm 661,3 nghìn tấn (-3,2%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với sản lượng trên vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu từ 6,3-6,5 triệu tấn gạo.

Thời gian qua, chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Ngoại trừ đàn trâu tiếp tục giảm, đàn lợn, đàn bò và đàn gia cầm tiếp tục phát triển tốt, sản lượng thịt hơi các loại đều tăng. Nhờ vậy, sau biến động tăng trong tháng 8/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước 15 ngày đầu tháng 9 đã có xu hướng giảm. Giá lợn hơi dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg (giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg). Giá thu mua gia cầm tại trại biến động giảm tại các vùng miền do nguồn cung dồi dào trong khi tiêu thụ chậm.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục có sự tăng trưởng khá nhờ những tín hiệu xuất khẩu tốt. Sản lượng tôm, cá tra đều tăng trưởng trên 10%.

Nông nghiệp khó khăn do biến động thị trường

Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài đã từng bước được giải quyết nhưng chưa triệt để, cần có thời gian. Giá sản phẩm nông sản có tăng, nhưng vẫn còn khá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người sản xuất.

Trong thời gian gần đây, thị trường phân bón trong nước tương đối ổn định, chỉ có giá phân Kali và DAP tăng do phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bộ NN&PTNT cho rằng, thị trường phân bón Việt Nam đang gặp hàng loạt những thách thức, từ nguồn cung nhập khẩu đắt đỏ đến chi phí nhiên liệu sản xuất tăng cao, ngoài ra còn có áp lực chi phí vận chuyển tăng. Do vậy, trong ngắn hạn, giá các mặt hàng phân bón phụ thuộc vào nhập khẩu có thể tiếp tục tăng.

Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung và giá mức hợp lý, Bộ đề nghị doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; rà soát, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý.

Gần đây, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước biến động tăng ở các tỉnh phía nam và ổn định tại phía bắc. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới được dự báo có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn do nguồn cung dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng đàn, tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định vào giai đoạn cuối năm.

Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu; tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường.

Ngành nông nghiệp cũng sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất gạo, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu của thị trường. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn sinh học, đảm bảo nguồn cung và ổn định giá thực phẩm.

Bên cạnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị tập trung chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng các địa phương có các giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục, điều chỉnh sản xuất phù hợp, hạn chế gây biến động giá cả nông sản.

Dự báo, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.