SGI Capital: Lãi suất huy động là biến số lớn nhất quyết định dòng tiền vào TTCK năm 2023

Diên Vỹ 15:35 | 08/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại báo cáo đầu tư mới ra ngày 7/12, SGI Capital nhận định mức tăng của lãi suất huy động là biến số lớn nhất quyết định dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng như triển vọng tăng trưởng trong năm 2023.

Tâm điểm TTCK 2023 có thể chuyển từ lạm phát và lãi suất sang tỷ lệ thất nghiệp

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 11, SGI Capital chỉ ra sự đồng pha khi hàng loạt chỉ số chung đà phục hồi: S&P 500 của Mỹ tăng 5,72%, Stoxx 50 tại Châu Âu tăng 9,13%, Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 6,61%. Những nền kinh tế đang trong pha hồi phục cũng tiếp tục bứt phá với chỉ số Kospi (Hàn Quốc) tăng 6,19%, Nifty 50 (Ấn Độ) tăng 3,68%...

SGI Capital cho rằng xu hướng tâm lý nhà đầu tư đang có sự dịch chuyển dần từ lo sợ lạm phát cao kéo dài sang kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt nhanh và Cục Dự trữ Liên bang FED sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất ở quý I/2023. Mặc dù FED tiếp tục hút tiền qua thắt chặt định lượng (QT) ở tốc độ nhanh, chỉ số USD Index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh và lãi suất trái phiếu của Mỹ được cho là đã tạo đỉnh và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 11. Sự đảo chiều của đồng bạc xanh đã giúp dòng tiền ưa thích rủi ro lan tỏa khắp các thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. 

Theo nhiều khảo sát và thống kê từ các hãng phân tích lớn, dòng chảy vốn sang tài sản rủi ro đang ở mức trung tính, chưa đến cấp độ nóng. Đây là điểm tích cực có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán toàn cầu cho tới lúc USD tăng trở lại hoặc rủi ro suy thoái rõ nét hơn đe dọa triển vọng lợi nhuận, báo cáo đầu tư của SGI Capital cho hay.

Theo đó, nhóm nghiên cứu SGI Capital cho rằng tâm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong 3 tháng tới sẽ chuyển dần từ kỳ vọng FED ngưng tăng lãi suất và đồng USD giảm giá sang mối lo về suy giảm tăng trưởng và suy thoái toàn cầu. Bằng chứng là các chỉ số vĩ mô của Mỹ (nền kinh tế vẫn đang mạnh nhất trong các nước phát triển) đang yếu đi khi các yếu tố đi trước gồm niềm tin doanh nghiệp, niềm tin tiêu dùng, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình, PMI đều đang tiếp tục tạo mức thấp mới của năm 2022. Những yếu tố này cùng với áp lực lãi suất cao sẽ tác động tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2023.

Thực tế, từ đầu năm, tồn kho cao tại các nước phát triển, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng do căng thẳng địa chính trị cùng với chính sách tiền tệ xoay chiều khiến lãi suất tăng mạnh đã khiến khu vực sản xuất của toàn cầu suy giảm đồng pha. Những yếu tố này được dự báo tiếp tục tạo nên rủi ro mất cân bằng vĩ mô của nhiều quốc gia và có thể dẫn tới sự suy yếu trong cả lĩnh vực tiêu dùng, khi thu nhập giảm, thất nghiệp tăng trong năm 2023.

 Chỉ số PMI sản xuất tháng 11/2022 của Việt Nam và một số nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang ở dưới ngưỡng trung lập 50 điểm (Ảnh: SGI Capital).

“Nếu như tâm điểm kinh tế và thị trường trong 2022 là sự tăng mạnh của lạm phát và lãi suất, thì tâm điểm của 2023 có thể là sự tăng lên tỷ lệ thất nghiệp”, báo cáo của SGI Capital nhận định.

Từ góc độ tích cực, nhóm nghiên cứu cho rằng điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu 2023 có thể tới từ Trung Quốc với xu hướng mở cửa bình thường hóa hậu COVID và các chính sách nới lỏng và kích thích kinh tế. Trong đó những ngành nghề có liên quan tới nhu cầu Trung Quốc phục hồi sẽ có triển vọng tích cực hơn phần còn lại của thị trường.

Dự báo TTCK Việt Nam: Hai động lực quan trọng của định giá cổ phiếu vẫn đang ở xu hướng tiêu cực

Đối với thị trường Việt Nam, SGI Capital chỉ ra rằng động lực chính cho sự hồi phục của VN-Index trong tháng 11 qua được kích hoạt bởi dòng tiền ngoại khi nhà đầu tư ngoại mua ròng kỷ lục gần 20.000 tỷ đồng, giải ngân diện rộng trên các mã vốn hoá lớn. 

Dòng vốn ngoại vào mạnh chủ yếu nhờ hai yếu tố: rủi ro tỷ giá đã bộc lộ và dần ổn định và định giá của chứng khoán Việt Nam về thấp nhất của nhiều năm trong khi chứng khoán thế giới đã bật lại rất mạnh từ một tháng trước. 

Nhìn cho giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu cho rằng sau khi gần 20.000 tỷ mua ròng của khối ngoại giúp VN-Index xây nền đáy ở vùng định giá rẻ lịch sử cũng như hỗ trợ hấp thụ những dòng tiền cần phải rút khỏi thị trường giai đoạn cuối năm; góp phần ổn định thanh khoản và cả tâm lý thị trường; dòng vốn ngoại có thể sẽ giảm bớt theo đà tăng của VN-Index.

Về rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhóm nhận định căng thẳng đã giảm bớt khi lợi tức của các loại trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng cao như của VIC, MSN hạ nhiệt từ vùng 25%/năm về dưới 16%/năm. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tiếp xúc và đưa các phương án để đàm phán lại với nhà đầu tư. Tuy nhiên nhìn chung, áp lực đáo hạn hơn 21.000 tỷ trái phiếu BĐS trong tháng 12 và sau đó vẫn tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản các doanh nghiệp và tổ chức tài chính liên quan. 

Đáng chú ý, SGI Capital cho rằng mức tăng của lãi suất huy động sẽ là biến số lớn nhất quyết định dòng tiền vào TTCK cũng như triển vọng tăng trưởng 2023. 

Một năm qua, hệ thống ngân hàng đẩy nhanh tín dụng trong khi cung tiền (M2) hạn chế đã khiến khoảng cách giữa dư nợ tín dụng và vốn huy động (LDR) bị đẩy lên mức cao, gây căng thẳng thanh khoản và kích hoạt cuộc đua lãi suất. Trong giai đoạn lãi suất tiền gửi tăng, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền để chuyển sang gửi ngân hàng. 

Theo SGI Capital, chỉ khi LDR quay trở lại mức trần quy định của NHNN, các ngân hàng mới dừng cuộc chạy đua tăng lãi suất hiện nay và xác lập đỉnh lãi suất huy động cũng như cho vay. Với tình hình hiện nay, dự báo nền lãi suất trong nước sẽ tăng tới quý I/2023 và ổn định dần sau khi FED dừng tăng lãi suất.

 

 

Nhìn chung, SGI Capital cho rằng ở thời điểm hiện tại, hai động lực quan trọng của giá và định giá cổ phiếu là lãi suất và tăng trưởng vẫn đang ở xu hướng tiêu cực, trong đó tác động của lãi suất tăng mạnh và căng thẳng thanh khoản gần đây đã thay đổi đáng kể bức tranh triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp niêm yết trong năm 2023. Do đó, việc cơ cấu lại danh mục đầu tư trong giai đoạn này là rất cần thiết để phù hợp với bối cảnh mới.