Shark Hưng: "Người trẻ hãy dũng cảm sai, dũng cảm ngã"
Cụ thể, nhận được câu hỏi của khán giả về sự sáng tạo ở độ tuổi còn trẻ, Shark Hưng đã chia sẻ về sáng tạo ở độ tuổi đó của chính mình. Những lời nói này được chuyên trang Nhịp sống kinh tế của Báo Tổ quốc dẫn lại.
Thời trẻ, một câu hỏi vẫn canh cánh trong lòng vị doanh nhân rằng: Tại sao người dân Việt luôn được khen là cần cù, chịu khó, được thiên nhiên ưu đãi mà vẫn nghèo?
Do đó, theo ông sáng tạo là sự cốt lõi để đạt được đến thành công. Người trẻ cần đi nhiều, mở mang trí tuệ và nâng tầm bản thân. Như vậy mới khám phá ra con đường riêng mình. Khi tốt nghiệp đại học, ông từng dám bước chân, đi rất nhiều nơi mà phải nghĩ cách đi không mất tiền mà còn phải có tiền, bởi gia đình cũng không có nhiều điều kiện lắm. Sau đó là cả một quá trình lăn lộn với ngoại ngữ, ra nước ngoài và ngẫm lại về hoàn cảnh đất nước và người dân mình để trả lời cho những câu hỏi trong lòng.
Ông diễn giải thêm bằng câu nói: "Chúng ta phải hiểu rằng, trước khi có buổi sáng thì phải trải qua buổi tối. Trước khi có sáng tạo thì phải có "tối tạo" đã. Tối tạo là cái khi anh cố gắng làm được những việc như người khác đã làm rồi dựa trên những điều đó anh cải tiến tốt hơn. Chúng ta không bao giờ có sự sáng tạo từ một con số không".
Vị doanh nhân tiếp tục dẫn kinh nghiệm của người Hàn Quốc về sự sáng tạo mà ông tâm đắc: Bắt chước để mà sáng tạo. Theo ông, nhiều người trẻ hiện tại chưa có dám thử nghiệm, chưa làm được những điều mà rất nhiều người khác đang làm nên khi kêu gọi đầu tư thì mới chỉ đưa ra những ý tưởng. Khi chưa dám bắt tay vào làm những việc tưởng như đơn giản thì rất khó đạt được sự sáng tạo mang tính đột phá.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, sáng tạo cần dựa trên sự hiểu biết. Ví dụ trong nghệ thuật thì một người chưa từng nghe nhạc, chơi nhạc của một người khác trước đó, không thể sáng tác nhạc, sáng tạo âm nhạc. Trước khi chúng ta sáng tạo được, chúng ta phải có nền tảng vững chắc, hiểu được những điều người đi trước đã làm. Học phổ thông đồng nghĩa hiểu được những điều người khác nói. Cao hơn nữa, ở cấp đại học nghĩa làm làm được những điều người khác từng làm. Còn khi học tiến sĩ, giáo sư thì bạn mới có thể nghĩ ra, nghiên cứu ra những thứ chưa ai từng làm, nghĩ ra một thứ hoàn toàn mới.
Bàn về những yếu tố ảnh hưởng đến sáng tạo cá nhân khi còn nhỏ, ông Hưng tin rằng cha mẹ có vai trò rất lớn: khuyến khích con trải nghiệm, sự thúc đẩy của môi trường sống và cá nhân đó luôn đặt câu hỏi tại sao. Người trẻ hãy bắt chước, hãy làm đi rồi sẽ có thể sáng tạo.
Hiện tại, người trẻ cần phải được sống và trải nghiệm trong môi trường khuyến khích tư duy độc lập tự chủ. Đừng có tuân thủ quá chặt chẽ những điều cũ, mặc định những điều thầy cô bố mẹ nói là đúng. Ông nhận định: "Bố mẹ nói chưa chắc đã đúng. Ngay cả bản thân tôi cũng thừa nhận rằng không phải lúc nào tôi nói với con tôi cũng đúng. Không phải lúc nào sếp cũng đúng. Hãy tìm cho mình cách nghĩ khác
Hãy dũng cảm sai, dũng cảm ngã. Cái dại lớn nhất là chúng ta sợ, không dám dại. Dại càng sớm thì càng có nhiều thời gian, cơ hội để đứng dậy để khắc phục. Đừng để già rồi mới bắt đầu dại, thì nguy hiểm lắm.
Ông tiếp tục kể về trải nghiệm thời trẻ của mình để lấy dẫn chứng cho những lời trên:
"Với cá nhân tôi, tôi may mắn sinh ra trong gia đình có bố mẹ khuyến khích sáng tạo, cho tôi được trải nghiệm giống như trong những cuốn sách giáo dục rất hay: cho con được ốm, buông tay, cho con được ngã… Tôi rất may mắn khi được thử nghiệm những việc tương đối "người lớn" khi còn đang ở tuổi teen. Ví dụ như vài tuổi đã biết bơi, 13 14 tuổi đã biết đi xe máy (dù chưa đủ tuổi)…
Và con tôi hiện giờ cũng vậy thôi. Tôi khuyến khích con trải nghiệm. Càng sớm học được những thứ người khác làm được thì chúng ta càng có cơ hội vượt lên. Tôi nghĩ rằng đó là cơ hội của tôi.
Thứ 2, sự thúc đẩy của môi trường sống cũng rất quan trọng trong việc chúng ta trở thành một con người sáng tạo. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ xem nếu là mình thì mình sẽ làm thế nào. Chứ không chỉ tuân thủ cái cũ, mà cần phải vượt qua. Đó không phải bật lại, ngang bướng, chống phá, nhưng phải luôn luôn nghĩ: tại sao lại thế?.
Ngày xưa tôi rất yêu thích cuốn sách Một vạn câu hỏi tại sao? Nó giải thích tất cả những gì xung quanh chúng ta: tại sao có ngày đâm, tại sao có 4 mùa, tại sao sờ vào điện lại bị giật…
Thời của tôi thì cũng chưa có những phần mềm để hiểu kinh tế thị trường như bây giờ. Cũng có những cây hỏi rất lạ kỳ như thế này: Tại sao thời đó những người đi nước ngoài về lại có cái này cái kia mà những người sống ở trong nước không có… Đó là những câu hỏi từ thời rất trẻ của tôi. Dù đã được nghe rất nhiều lời giải thích từ bố mẹ, thầy cô… nhưng không câu trả lời nào làm cho tôi thỏa mãn cả. Cuối cùng, mình phải tự đi tìm lời giải thích cho chính bản thân mình về tự nhiên, kinh tế xã hội… và sau này là các vấn đề trong kinh doanh. Đó là lí do tại sao tôi nghĩ rằng, sự tiếp cận với cái gì mới cũng cần xuất phát từ một nền tảng nhất định...".
Shark Hưng: Khách hàng là nguồn tiền vô hạn
Đối với doanh nhân Phạm Thanh Hưng, muốn kiếm tiền trong kinh doanh cần phải biết làm khách hàng chịu chi. Đó là quan điểm từng được ông nêu ra trong đoạn clip Shark Hưng xuất hiện tại hội thảo Deveerich Learn To Success vào tháng 12/2020.
Trong thương trường, mỗi người đi kinh doanh biết cách "moi" tiền từ các khách hàng của mình thì nhà đầu tư sẽ hiển nhiên đổ vốn vào các dự án của bạn. Tất nhiên, ở trường hợp ngược lại, nếu chưa thể chứng minh được năng lực khai thác tiền từ khách hàng thì chẳng có nhà đầu tư nào chịu đâm đầu vào ngõ cụt cả.
Từ những bài học kinh nghiệm trên, ông khuyên các nhà khởi nghiệp hãy tập trung đầu tư vào một cái gì đó, thật nhỏ thôi cũng được nhưng phải… có khách hàng. Nhà đầu tư qua đó sẽ dễ dàng định giá được khả năng phát triển quy mô của chúng ta để kịp thời phát triển, xem xét có nên đổ vốn vào nơi này hay không? Với ông, mỗi giải đáp được câu hỏi "Tiền đến từ đâu?" chính là nguyên tắc cơ bản của sự giàu có.