Số ca bệnh có thể lên đến 500 người, đề nghị rút giấy phép hội thánh truyền giáo Phục Hưng

11:51 | 01/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Nội vụ khẳng định Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không phải tổ chức tôn giáo và người đứng đầu không phải mục sư. Do đó, đề nghị rút giấy phép, tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này.

Sáng 1/6, phát biểu tại cuộc họp giữa Phó thủ tướng Trương Hòa Bình với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chỉ đăng ký hoạt động cấp phường. 

Dù nhóm này hoạt động hợp pháp, đăng ký theo đúng quy định của Chính phủ nhưng đây chưa phải một tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân. Cũng theo đại diện Bộ Nội vụ, hai người đứng đầu hội thánh này chỉ mà mục sư tự nhận. Nếu là mục sư theo quản lý Nhà nước thì sẽ được xem là chức sắc tôn giáo.

Số ca bệnh có thể lên đến 500 người, đề nghị rút giấy phép hội thánh truyền giáo Phục Hưng - ảnh 1

Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không phải cơ sở tôn giáo

Do tính chất truyền giáo và sự chủ quan của người đứng đầu, cho đến nay, chuỗi lây nhiễm này đã có 223 F0, 2.500 F1 và 61.000 F2, liên quan đến 20 quận, huyện, TP của TP.HCM.

Các tín đồ của hội thánh truyền giáo Phục Hưng còn lan rộng tới 11 địa phương trên cả nước, trong đó, Hà Nội có 40 người liên quan nhưng chưa phát hiện F0; Long An có 5 ca; Bình Dương 3 ca; Trà Vinh, Đắk Lắk; Bạc Liêu mỗi nơi 1 ca nhiễm nCoV.

Theo ông Vũ Chiến Thắng, toàn quốc hiện có khoảng 5.500 điểm nhóm hoạt động với tính chất tương tự; riêng TP.HCM có 145 điểm. Các điểm nhóm này chủ yếu hoạt động độc lập, do cấp phường, xã quản lý. Do đó, các chỉ đạo không được truyền đạt trực tiếp xuống người đứng đầu, khó khăn trong tuyên truyền vận động.

Ngày 1/6, Sở Nội vụ đã có đề xuất UBND TP tạm đình chỉ hoạt động tôn giáo ở đây để phục vụ điều tra, dập dịch. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần có xử lý cao hơn với hội thánh này, ở mức "có thể rút giấy phép, xóa tên điểm nhóm".

Bên cạnh đó, bộ đề nghị thành phố rà soát lại các cơ sở thờ tự. Thứ trưởng Bộ Nội vụ đồng thời lưu ý việc không gọi Hội thánh truyền giáo Phụ Hưng là tổ chức tôn giáo, không gọi người đứng đầu là mục sư để tránh hiểu nhầm.

Trước đó, Công an TP.HCM cho hay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Ông Thắng khẳng định việc khởi tố vụ án, xử lý là liên quan đến các cá nhân thuộc hội thánh có hành vi sai phạm, không liên quan đến tổ chức tôn giáo.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ 27/5 đến nay, ngành y tế ghi nhận 208 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, 200 ca liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. 7 ca liên quan đến chùm ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Đáng chú ý, HCDC đã tìm ra mối liên hệ của hai chuỗi lây nhiễm này, theo đó, nguồn gốc của chuỗi tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng bắt nguồn từ một ca bệnh của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. HCDC khuyến cáo người liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chủ động khai báo y tế do nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Cũng tại cuộc họp sáng 1/6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin, hiện xác định có 3.028 người thuộc diện F1 liên quan đến ổ dịch hội thánh truyền giáo Phục Hưng.  Dịch lan rộng 20/22 quận, huyện của thành phố. Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh gồm Gò Vấp (52), quận 12 (23), Bình Thạnh (22), Tân Phú (22), Tân Bình (22).

"Chúng tôi đánh giá ổ dịch này có thể lên đến 500 người, hiện nay chúng ta còn số lượng lớn F1 đang được cách ly tập trung", ông Bỉnh nói thêm.

Xem thêm: Chuỗi ca bệnh hội thánh truyền giáo Phục Hưng và BV Hoàn Mỹ ở TP.HCM có chung nguồn lây

Hà Ly