Số doanh nghiệp Việt đạt doanh thu triệu đô trên Amazon tăng gấp 10 lần
Tại sự kiện về thương mại điện tử diễn ra sáng 22/5, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Số lượng doanh nghiệp Việt đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm qua, từ năm 2019 – 2023.
“Sự đột phá này phản ảnh những nỗ lực mạnh mẽ của các doanh nghiệp địa phương, và củng cố vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất khẩu qua thương mại điện tử”, ông Gijae Seong đánh giá.
Cũng theo ông Gijae Seong, sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp này tự tin và quyết tâm mở rộng quy mô hiện diện cho thương hiệu trên toàn cầu, nâng cao khả năng hiện thị trực tuyến và khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới.
Dẫn chứng, theo số liệu của Amazon, các doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế như số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300%, và số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần trong 5 năm.
Danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt gồm: Sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp...
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho hay thương mại điện tử đang trải qua giai đoạn phát mạnh mẽ và trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực và thế giới.
Thời gian tới, thị trường thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với mức doanh thu dự kiến đạt 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Huyền, việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp như nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài, các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế theo bà Huyền cũng là một rào cản cho doanh nghiệp Việt.