Lý do khiến Jeff Bezos rời ghế CEO Amazon
Đã hai năm kể từ khi Jeff Bezos thôi giữ chức CEO tại Amazon. Trong khoảng thời gian đó, dường như ông ấy đã rất bận rộn với việc thu mua các bất động sản và tập thể hình.
Tuy nhiên, vị tỷ phú này cho biết lý do ông rời khỏi công ty công nghệ là vì muốn tập trung vào công ty hàng không vũ trụ Blue Origin.
"Tôi đã bàn giao vai trò CEO và lý do chính là để có thể dành thời gian cho Blue Origin, mang lại thêm năng lượng, cảm giác khẩn trương”, Bezos nói trong tập mới nhất của podcast "Lex Fridman Podcast".
Bezos thành lập Amazon vào năm 1994. Ông thôi giữ chức Giám đốc điều hành vào tháng 7/2021 nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch điều hành.
Theo Bezos, động thái này phải được thực hiện vì công ty hàng không vũ trụ cần phải phát triển nhanh hơn. Bezos nói với MC Fridman rằng ông sẽ không đủ thời gian để quản lý Blue Origin nếu vẫn điều hành Amazon.
"Trước đây khi còn là Giám đốc điều hành của Amazon, tôi luôn quan niệm rằng: Nếu tôi là CEO của một doanh nghiệp đại chúng, công ty sẽ nhận được toàn bộ sự tập trung của tôi. Và đó đơn giản là cách tôi suy nghĩ về mọi thứ”, Bezos nói trong phần đầu của podcast.
"Đối với tôi, điều đó rất quan trọng. Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải làm như vậy với tất cả các bên liên quan ở Amazon”, ông tiếp tục.
Hiện tại, Bezos cho biết ông đang dành phần lớn thời gian cho Blue Origin và "chưa bao giờ làm việc chăm chỉ hơn thế”.
"Tôi đang làm việc rất chăm chỉ, và phần lớn tôi thấy tận hưởng, nhưng cũng có những ngày rất khó khăn”, Bezos nói với Fridman về những ngày làm việc hiện tại của mình sau khi rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành Amazon.
"Hầu hết thời gian của tôi dành cho Blue Origin và tôi đã tham gia sâu vào các hoạt động của công ty trong vài năm qua”, Bezos nói. "Nhìn chung, tôi yêu công việc này, nhưng cũng tồn tại những bực bội nhỏ nhặt đi kèm”.
Blue Origin, được thành lập bởi Bezos vào năm 2000. Công ty cạnh tranh với các đối thủ như SpaceX của Elon Musk và Virgin Galactic của Richard Branson. Cho đến nay, Blue Origin đã phát triển ba loại tàu vũ trụ gồm: New Shepard, New Glenn và Blue Moon.
Trong đó, New Shepard là tên lửa hai tầng có thể đưa các phi hành gia và hàng hóa lên độ cao 100 km, vượt ra khỏi bầu khí quyển trái đất.
New Glenn là tên lửa ba tầng có thể đưa các vệ tinh lên quỹ đạo trái đất và các tàu vũ trụ lên mặt trăng hoặc sao Hỏa. Tàu vũ trụ Blue Moon là tàu có thể hạ cánh trên mặt trăng và mang theo hàng hóa trở lại trái đất.
Blue Origin đã thực hiện hơn 20 chuyến bay thử nghiệm tên lửa New Shepard, và chuyến bay đầu tiên của tên lửa New Glenn dự kiến sẽ diễn ra vào năm nay. Tàu vũ trụ Blue Moon vẫn đang được phát triển.
Mới đây, Blue Origin cho biết họ đang chuẩn bị phóng tên lửa New Shepard vào không gian vào tuần này. Tên lửa này đã bị tạm dừng hoạt động kể từ tháng 9 năm ngoái sau khi xảy ra sự cố giữa chừng trong một nhiệm vụ.
Đại diện của Blue Origin và Amazon đã không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận từ Business Insider.