Sốc: Cước container Á - Âu lên hơn 15.000 USD vào giữa tháng 6, đe dọa xuất khẩu
Chi phí vận chuyển hàng hóa cho một container từ Châu Á đến Châu Âu đã tăng kỷ lục, lên trên 10.000 USD lần đầu tiên.
Vào ngày 27/05, chỉ số Drewry World Container Index cho thấy cước phí vận chuyển trên tuyến Thượng Hải-Rotterdam, đã tăng 309 USD lên 10,174 USD cho một container 40ft. Con số này tăng 3,1% so với một tuần trước và tăng 485% so với một năm trước.
Chỉ số tổng hợp của 8 tuyến đường vận tải biển chính đã tăng 2% (tương đương 121 USD), lên 6.257 USD so với một tuần trước đó, và cao hơn 293% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả hai chỉ số trung bình này đều tăng kỷ lục, cao nhất tính từ năm 2011.
Mức phí vận chuyển giao ngay với 1 container tiêu chuẩn 40 foot trên 8 tuyến đường vận tải biển chính từ Đông sang Tây. Ảnh: Grewry.
Tương tự, giá tuyến Thượng Hải-Genoa tăng 185 USD lên 9.662 USD, giá Thượng Hải-Los Angeles tăng 137 USD lên 5.742 USD cho container 40ft, Rotterdam-New York tăng 117 USD lên 3.670 USD... Drewry dự kiến tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định vào tuần tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng đang trỗi dậy trở lại, sự phục hồi tại các nước đang tăng cao, giá vận chuyển container tăng đột biến vì mức cầu đang vượt xa khả năng cung của những hãng tàu container 20ft và 40ft - vốn chiếm thị phần lớn nhất trong thương mại toàn cầu.
Phí vận chuyển giao ngay 1 container tiêu chuẩn 40 foot từ Thượng Hải tới Rotterdam trong thời điểm từ 30/05 tới 30/06. Ảnh: Icontainers.
Tỷ giá sẽ khó mà ổn định khi mức phí của thị trường giao ngay có thể tăng lên trên 15.000 USD cho 1 container 40ft chuyển từ Thượng Hải - Rotterdam vào giữa tháng 6.
Cụ thể, theo đơn đặt hàng trên Icontainers, để đặt vận chuyển 1 container tiêu chuẩn 40ft theo tuyết đường trên vào ngày 14/06, chủ hàng sẽ phải trả mức phí là 15.408 USD, còn mức phí cho ngày 30/06 là 11.928 USD (tăng hơn 1.000 USD so với con số 10.174 USD của ngày 27/05). Với giá 15.408 cho 1 container 40ft, con số này tăng lên tới 700% so với năm 2020.
Năm nay, thị trường giao ngay trong vận chuyển hàng hóa bằng đường biển bị thắt chặt, giao dịch với các hãng vận tải biển phải thêm các khoản phụ phí khổng lồ để đảm bảo giao hàng đúng hạn hoặc chất hàng được đảm bảo, cộng thêm gián đoạn từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez vào cuối tháng 3 đang gây ra sự chậm trễ và chi phí cao hơn cho các chủ hàng, trong khi các hãng vận tải biển hưởng lợi nhuận cao ngất ngưởng.
Điều này sẽ gây thêm khó khăn cho các nhà xuất-nhập khẩu vốn đang phải vật lộn với chuỗi cung ứng bị kéo dài.
Tiệp Nguyễn