Sơn La xin làm sân bay Mộc Châu với tổng vốn đầu tư 6.500 tỷ đồng
Theo đề xuất của tỉnh Sơn La, Cảng hàng không Mộc Châu được xác định là sân bay cấp 4E, được chia đầu tư làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2030), là cảng hàng không dân dụng (nhằm thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa hàng không thường kỳ và một số tuyến quốc tế) với công suất dự kiến 1 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến công suất là 2 triệu hành khách/năm. Về diện tích, dự án đến năm 2030 khoảng 350 ha; đến năm 2050 khoảng 500 ha.
Dự kiến tổng mức đầu tư Cảng hàng không Mộc Châu khoảng 6.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài các tuyến đường bay nội địa đi/đến TP HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Pleiku, Phú Quốc..., địa phương này còn muốn khai thác các đường bay quốc tế đi/đến khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông), khu vực Đông Nam Á như Viêng Chăn (Lào), Bangkok (Thái Lan), KualaLumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)...
Tại văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Sơn La chưa nêu rõ vị trí của Cảng hàng không Mộc Châu mà chỉ khẳng định “lựa chọn tại vị trí thuận lợi, địa hình bằng phẳng, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo quy mô khai thác, thuận lợi kết nối các tuyến giao thông đường bộ”.
Trước đó, hồi giữa tháng 8, UBND tỉnh Sơn La đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản tại huyện Mai Sơn, trên nền sân bay cũ với diện tích khoảng 249 ha (mở rộng thêm khoảng 78,5 ha).
Việc đầu tư sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng Cảng hàng không Nà Sản đạt cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp I đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.
Trong giai đoạn 2, sẽ mở rộng các hạng mục để đạt công suất 2 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch sau năm 2030.
Về quy mô, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh có kích thước 2.600x45m, kết cấu bê tông xi măng đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và các máy bay quân sự Su27, Su30MK; Sân đỗ máy bay nằm phía Bắc có khả năng đáp ứng cho 5 tàu bay A320/321; Hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; Nhà ga hành khách có diện tích 3.000 m2; Đài kiểm soát không lưu…
“Dự án áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành; bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng”, ông Khánh nói và cho biết: Sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc với nhà ga dân dụng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La lên tới 3.028 tỷ đồng, giai đoạn 1 cần 2.560 tỷ đồng.