Sri Lanka sẽ đóng cửa thị trường chứng khoán trong 5 ngày

Minh Hằng/TTXVN 08:11 | 17/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban Giao dịch chứng khoán Sri Lanka (SEC) ngày 16/4 cho biết đã chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Colombo (CSE) tạm thời đóng cửa trong thời gian 5 ngày làm việc bắt đầu từ ngày 18/4.

Trong một thông cáo báo chí, SEC cho biết ban giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Colombo (CSE) đã yêu cầu đóng cửa tạm thời thị trường chứng khoán vì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại nước này. SEC cho biết các bên liên quan khác của thị trường chứng khoán, trong đó có Hiệp hội các nhà môi giới chứng khoán Colombo cũng đã tìm cách tạm thời đóng cửa thị trường với lý do tương tự.

Theo thông điệp từ SEC, ủy ban này đã xem xét cẩn thận các lý do đưa ra và đã đánh giá tác động có thể của tình hình trong nước hiện nay đối với thị trường chứng khoán, đặc biệt là khả năng vận hành một thị trường giao dịch trật tự và công bằng.

Việc tạm đóng cửa thị trường, theo SEC, sẽ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư cũng như những người tham gia thị trường khác để họ có cơ hội hiểu rõ hơn về tình hình kinh tế hiện nay và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.

CSE đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những bất ổn kinh tế quốc gia. Chỉ số thị trường chính tại quốc gia này đã giảm 26% vào cuối tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Quyết định tạm đóng cửa thị trường chứng khoán cũng được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang chuẩn bị đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các khoản vay cứu trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Theo kế hoạch, đoàn đàm phán của Sri Lanka và IMF sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 22/4, thảo luận các giải pháp hỗ trợ quốc gia thoát khỏi tình trạng cạn kiệt ngoại tệ phục vụ nhập khẩu hàng hóa thiết yếu mà nước này đang phải đối mặt.

Trước đó, để giảm thiểu những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính, Sri Lanka đã tăng lãi suất cơ bản lên 14,5%. Cùng với đó, nước này tuyên bố các chủ nợ, bao gồm các chính phủ nước ngoài, được quyền vốn hóa tiền lãi đến hạn từ ngày 12/4, hoặc lựa chọn nhận thanh toán bằng đồng nội tệ của Sri Lanka.

 

Quốc đảo Sri Lanka đang phải ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Người dân nước này thường xuyên sống trong cảnh bị cắt điện, thiếu lương thực cùng nhiên liệu và lạm phát tăng cao kỷ lục.

Trong ba tháng qua, chỉ số chứng khoán của Sri Lanka đã giảm tới 38%, trong khi đồng nội tệ của nước này trong một tháng qua mất giá hơn 35% so với đồng USD. Giữa lúc khủng hoảng leo thang, toàn bộ 26 bộ trưởng trong Chính phủ Sri Lanka đã từ chức vào cuối tuần qua.

Ngày 5/4, tân Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry cũng đã từ chức chỉ một ngày sau khi được bổ nhiệm vị trí này. Ngày 8/4, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Sri Lanka cũng đang đề nghị Ấn Độ và Trung Quốc tạm thời giãn nợ, nhưng cả hai nước này chỉ tuyên bố sẽ tăng tín dụng cho Colombo để mua hàng hóa của họ.