Sri Lanka nâng giá nhiên liệu lên mức cao kỷ lục
Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cho biết nội các của nước này ngày 23/5 đã phê duyệt mức giá nhiên liệu mới để ngăn chặn tình trạng thua lỗ nặng nề của công ty dầu khí quốc doanh Ceylon Petroleum Corp.
Giá dầu diesel, loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến ở các phương tiện giao thông công cộng, đã được tăng thêm 38% từ 289 rupee/lít (0,8 USD) lên 400 rupee/lít, trong khi giá xăng tăng từ 338 lên 420 rupee/lít.
Như vậy giá dầu diesel tại Sri Lanka đã tăng 230% và giá xăng đã tăng 137% trong sáu tháng qua. Cả hai loại nhiên liệu này đều đang trong tình trạng khan hàng và người điều khiển các phương tiện phải xếp hàng đợi rất lâu để đổ nhiên liệu.
Ông Wijesekera cho biết Chính phủ Sri Lanka đang tìm kiếm khoản vay trị giá 500 triệu USD từ Ấn Độ để mua nhiên liệu, bên cạnh hai hạn mức tín dụng trị giá 700 triệu USD mà Ấn Độ đã cung cấp cho nước này.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm và thuốc men trên diện rộng, và người dân phải chịu các đợt cắt điện kéo dài và tình trạng lạm phát cao. Ngoài ra, giới chức nước này cho biết giá vé xe buýt và taxi đã tăng đến 50%, từ đó khiến hầu như mọi hàng hóa và dịch vụ đều tăng giá theo.
Bộ Điều tra dân số và thống kê Sri Lanka mới đây công bố báo cáo cho biết lạm phát của nước này đã liên tục lập đỉnh mới do tình trạng khan hiếm xăng dầu trầm trọng hơn và giá lương thực tăng vọt.
Theo báo cáo, Chỉ số giá tiêu dùng của Sri Lanka trong tháng 4/2022 đã tăng 33,8%, tăng cao hơn sáu lần so với mức lạm phát 5,5% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, lạm phát riêng với thực phẩm ở mức 45,1%. Dự báo lạm phát sẽ còn tăng trong tháng 5 này do giá xăng đã tăng tới 35%, trong khi dầu diesel tăng 65%.
Sri Lanka đang đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, thiếu thốn thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men trong khi lạm phát cao kỷ lục và không đủ điện sử dụng. Cuộc sống người dân khó khăn dẫn tới những bất ổn chính trị và xã hội leo thang.
Quốc gia Nam Á này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ và cần đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Trước đó, chính phủ nước này cho biết cần 3-4 tỷ USD để thoát khỏi khủng hoảng hiện tại.
Hôm 15/5, tân Thủ tướng Wickremesinghe, đã tổ chức các cuộc thảo luận với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhằm tìm nguồn hỗ trợ để khắc phục các vấn đề trong chuỗi cung ứng dược phẩm, thực phẩm và phân bón.