SSI Research: Gặp nhiều lực cản, lãi ròng Vĩnh Hoàn (VHC) có thể giảm 27%
Nằm trong bức tranh sáng của toàn ngành thuỷ sản trong năm 2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận kết quả kinh doanh đầy ấn tượng với doanh thu đạt 13.239 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.015 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2021. Doanh nghiệp đã hoàn thành lần lượt 102% và 124% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm. Tuy nhiên, kết quả đó phần lớn nhờ vào kết quả kinh doanh khởi sắc trong 3 quý đầu năm.
Trong quý IV/2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của doanh nghiệp lần lượt giảm mạnh so với cùng kỳ 2021, đạt gần 2.500 tỷ đồng (-7,8%) và 200 tỷ đồng (-58,2%) do giá bán cá tra bình quân giảm nhanh hơn dự báo, bình quân đạt 3,6 USD/kg (-4%).
So với quý III/2022, doanh thu và giá bán bình quân lần lượt giảm 35% và 25%. Điều này phản ánh nhu cầu yếu tại các nền kinh tế xuất khẩu lớn, đặc biệt là Mỹ - thị trường nhập khẩu chính của VHC.
Bước sang năm 2023, theo những dự báo trước về lạm phát và thắt chặt chi tiêu tại Châu Âu, doanh thu và lợi nhuận của VHC đều giảm mạnh. Trong tháng 1/2023, doanh thu xuất khẩu đạt 462 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có doanh thu thấp nhất của doanh nghiệp trong 22 tháng gần nhất và là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm.
Tất cả các ngành hàng đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu, trong đó cá tra giảm 44% xuống 273 tỷ đồng, sản phẩm phụ giảm 54% còn 54 tỷ đồng. Các mảng chăm sóc sức khỏe, bánh phồng tôm và sản phẩm giá trị gia tăng lần lượt giảm 74%, 42% và 17%.
Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ giảm tới 65% xuống 117 tỷ đồng, thị trường châu Âu cũng sụt giảm tới 28%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng đi xuống 34% còn 140 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có sự cải thiện 22% lên 32 tỷ đồng nhờ chính sách mở cửa, song tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.
Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng cho ngành thuỷ sản, trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ và Châu Âu vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Với riêng VHC, chuyên gia kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp sẽ ổn định, giá bán bình quân cá tra đạt 3,9 USD/kg. Sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, giá bán bình quân sang Trung Quốc thấp hơn so với giá bán sang Mỹ khoảng 15%, cho thấy áp lực lên tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn còn.
Trong trường hợp, chi phí thức ăn thủy sản giảm 13% so với cùng kỳ, giảm ít hơn đáng kể so với mức giảm giá bán bình quân thì tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm 260 điểm cơ bản trong năm nay.
Do đó, SSI dự phóng VHC đạt doanh thu thuần 11.124 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận ròng là 1.442 tỷ đồng giảm 27% so với năm 2022.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 1 đạt 83,6 triệu USD (giảm 61% so với cùng kỳ, giảm 44% so với quý trước). Kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 81% so với cùng kỳ.
Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm 76% so với cùng kỳ và giảm 44% so với tháng 12/2022. Giá bán bình quân xuất khẩu sang Mỹ đạt 2,97 USD/kg trong tháng 1/2023 (giảm 34% so với cùng kỳ và đi ngang so với tháng trước). Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 62% so với cùng kỳ 2021.
Mặc dù số liệu tháng 1 bị tác động do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sớm hơn thường lệ (hầu hết các công ty chỉ hoạt động trong nửa tháng) nhưng vẫn phản ánh nhu cầu suy yếu tại các thị trường xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu có lạm phát cao và mức tồn kho giá cao có áp lực rất lớn vào cuối năm.