Vĩnh Hoàn (VHC): Hàng tồn kho tăng gần 1.000 tỷ, đầu tư cổ phiếu BĐS tạm lỗ 43%

Trang Mai 10:51 | 09/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi xin gia hạn nộp báo cáo tài chính do có nhiều công ty con, mới đây, “vua cá tra” Vĩnh Hoàn (mã: VHC) đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Lãi ròng quý IV/2022 giảm mạnh nhưng lợi nhuận cả năm vẫn đạt kỷ lục

Theo đó, doanh nghiệp thu về 2.484 tỷ đồng doanh thu thuần trong kỳ, giảm gần 8% so với quý IV/2021. Giá vốn tương đương hơn 80% doanh thu với 2.020 tỷ đồng làm cho lợi nhuận gộp giảm từ 24% xuống còn 19%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 2 lần 118 tỷ đồng. 

Không riêng giá vốn, tất cả chi phí đều tăng cao trong kỳ: chi phí bán hàng tăng 43%, quản lý doanh nghiệp tăng 44%, đáng kể nhất là chi phí tài chính với mức tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ, lên gần 137 tỷ đồng trong bối cảnh lãi vay tăbf. Ngoài ra, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận khoản lỗ 778 triệu đồng từ công ty liên kết, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 132 triệu đồng. 

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn quý IV/2022 đạt 119 tỷ đồng, giảm 56%. Đây là quý thứ 2 liên tục doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022.

Kết quả kinh doanh giảm tốc của Vĩnh Hoàn trong những tháng cuối năm nằm trong bối cảnh chung của ngành thuỷ sản những tháng cuối năm 2022. Tính cả năm 2022, giá trị sản xuất thủy sản của cả nước chỉ tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn). Động lực tăng trưởng chủ yếu đến trong giai đoạn đầu năm; trong khi 6 tháng cuối năm, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại khi nhu cầu thị trường giảm xuống. Cụ thể, trong tháng 10/2022, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ. Sang tháng 11/2022 thấp hơn hẳn 14% so với cùng kỳ năm trước đó.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra (sản phẩm chủ lực của Vĩnh Hoàn),…cũng đều bị giảm đáng kể. 

Mặc dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh bứt phá trong nửa đầu năm nên tính chung cả năm 2022, doanh thu của Vĩnh Hoàn vẫn đạt 13.239 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.015 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2021. Doanh thu và lợi nhuận năm 2022 đều vươn lên đỉnh mới trong lịch sử hoạt động của Vĩnh Hoàn. Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, với kết quả kinh doanh thuận lợi, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận 1.199 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với năm 2021.  

 
 

Tạm lỗ 43% số tiền đầu tư chứng khoán 

Tại thời điểm 31/12/2022, Vĩnh Hoàn đang có 2.217 tỷ đồng tiền mặt và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (gồm tiền gửi ngân hàng và trái phiếu có kỳ hạn 7 năm với lãi suất thả nổi bằng đồng Việt Nam) tăng 60% so với đầu năm trong tổng tài sản hơn 11.580 tỷ đồng. Trong năm 2022, khoản tiền gửi đã mang về cho doanh nghiệp hơn 80 tỷ đồng tiền lãi. 

Đáng chú ý, so với đầu năm, Vĩnh Hoàn tiếp tục tăng cường các khoản trích lập dự phòng.

Cụ thể, trong khoản hàng tồn kho đến cuối kỳ là 2.713 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với thời điểm đầu năm thì tồn kho thành phẩm là khoản lớn nhất, trị giá 1.468 tỷ đồng. Tồn kho thành phẩm đang được trích lập dự phòng giảm giá 400 tỷ đồng. Sau đó là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, nguyên vật liệu và các hàng hoá khác. 

Ngoài ra, với tổng giá trị đầu tư 179 tỷ đồng trong danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn tại thời điểm cuối năm, công ty dành trích lập dự phòng giảm giá 77 tỷ đồng.

Trong đó, khoản tạm lỗ lớn nhất là cổ phiếu DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh với giá gốc 58 tỷ đồng, đang dự phòng giảm giá gần 37 tỷ đồng, tương ứng lỗ 64%. Ngoài DXS, Vĩnh Hoàn còn rót tiền nhiều vào hai cổ phiếu bất động sản là NLG của CTCP Đầu tư Nam Long (giá gốc 76 tỷ đồng, đang dự phòng 26 tỷ đồng), KBC của Tổng Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (giá gốc 30 tỷ đồng, đang dự phòng 7,7 tỷ đồng. Còn lại gần 15 tỷ đồng là các cổ phiếu khác và cũng được trích lập dự phòng 6,6 tỷ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Vĩnh Hoàn tăng 36% so với đầu năm, lên mức 3.884 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 2.388 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm, toàn bộ khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn đã chi 97 tỷ đồng trả lãi tiền vay. Vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm tăng 31% lên 7.696 tỷ đồng, trong đó có 5.427 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vốn góp chủ sở hữu 1.834 tỷ đồng và một số khoản khác.