SSI Research: Lãi ròng của HPG có thể phục hồi 15% trong năm 2023
Nhìn lại 2022: Năm khó khăn chồng chất
Tính riêng quý IV/2022, doanh thu thuần HPG đạt 26 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ và giảm 26% so với quý trước, trong khi lợi nhuận ròng trong quý ghi nhận mức lỗ kỷ lục là -2 nghìn tỷ đồng. Kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý được cho là do sản lượng giảm mạnh và tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng quý IV/2022 ghi nhận mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm 25% so với cùng kỳ và 24% so với quý trước đạt 820 nghìn tấn. Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và phôi thép đạt 902 nghìn tấn, giảm 18% so với quý trước và giảm 43% so với cùng kỳ, ghi nhận mức theo quý thấp nhất kể từ khi Khu liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động vào quý IV/2019.
Về thép dẹt, sản lượng HRC trong quý IV/2022 đạt 591 nghìn tấn (giảm 6% so với cùng kỳ và 3% so với quý trước) do nhu cầu đối với các sản phẩm hạ nguồn giảm, đặc biệt là tôn mạ. Sản lượng tôn mạ kẽm cũng giảm 49% so với cùng kỳ đạt 79 nghìn tấn, trong khi sản lượng thép ống giảm 4% đạt 591 nghìn tấn.
Kết quả, HPG ghi nhận lợi nhuận gộp trong quý cuối cùng của 2022 âm 885 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên chỉ tiêu này ghi nhận con số âm kể từ quý IV/2008. Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp quý IV/2022 là -3,4%. Công ty ghi nhận kết quả kém quả khan như vậy là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, công suất sử dụng đạt mức thấp trong lịch sử của các lò cao là 70% quý IV/2022 so với 100% cùng kỳ năm 2021 và 80% quý III/2022, dẫn đến chi phí cố định trên mỗi đơn vị sản xuất cao hơn. Thứ hai, hàng tồn kho giá cao làm tăng giá vốn, và cuối cùng là trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng 337 tỷ đồng mặc dù giá thép và nguyên vật liệu phục hồi trong quý.
Lũy kế cả năm 2022, HPG đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Lãi chênh lệch tỷ giá bù đắp một phần cho lãi suất tăng. Theo đó, HPG ghi nhận khoản lãi ròng tỷ giá khoảng 361,5 tỷ đồng trong Q4.2022 so với khoản lỗ 49 tỷ đồng trong Q4.2021 và 1 nghìn tỷ đồng trong Q3.2022. Nguyên nhân là do đồng VND tăng 1,1% so với đồng USD. Lãi tỷ giá phần nào bù đắp cho chi phí lãi vay tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ và 96 tỷ đồng so với quý trước do lãi suất tăng.
Giảm hàng tồn kho để giảm áp lực lên dư nợ. Công ty đã chủ động cắt giảm sản xuất, giúp hàng tồn kho giảm 22,6 nghìn tỷ đồng (40%) trong 6 tháng qua xuống còn 35,7 nghìn tỷ đồng - tương đương với khoảng 4 tháng tồn kho. Điều này giúp công ty giảm tổng dư nợ 12,1 nghìn tỷ đồng (17%) trong 6 tháng qua, với số dư nợ theo đồng USD giảm 600 triệu USD (hoặc hơn 14 nghìn tỷ đồng) xuống còn 700 triệu USD trong năm 2022, chiếm 29% tổng dư nợ của công ty.
Triển vọng 2023: doanh thu sụt giảm, lợi nhuận khởi sắc
Sản lượng tiêu thụ tháng 1 vẫn yếu cho đến hết kỳ nghỉ Tết
Sản lượng tiêu thụ tháng 1 là 304 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ (svck), đây không phải là mức giảm đáng kể khi kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 1 năm nay, sớm hơn 1 tháng so với năm trước. Tuy nhiên, sản lượng HRC, tôn mạ và phôi thép lần lượt giảm đáng kể svck xuống lần lượt là 86 nghìn tấn, giảm 62%, 21 nghìn tấn, giảm 50% và 13 nghìn tấn, giảm 41%. Chỉ có thép ống tăng 6% đạt 53 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất trong tháng 1 không đổi so với tháng trước ở mức 392.000 tấn, tương đương với công suất hoạt động ước tính là 55%.
Giá thép phục hồi với tốc độ chậm
Giá thép xây dựng trung bình đã phục hồi khoảng 1,2 triệu đồng/tấn, tương đương 8% trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, mức tăng giá thành phẩm như vậy là thấp hơn so với mức tăng 20% của giá Trung Quốc, hay mức tăng trung bình 25% của giá quặng sắt và than cốc do nhu cầu trong nước yếu.
Mặt khác, giá thép HRC, thường có mối tương quan cao hơn với giá trong khu vực, đã tăng hơn 20% trong 2 tháng qua. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn yếu, với khối lượng giảm trong 3 tháng liên tiếp vừa qua (giảm trung bình khoảng 30% mỗi tháng) do nhu cầu thấp đối với các sản phẩm hạ nguồn (đặc biệt là tôn mạ).
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp ổn định giá thép nhưng điều này có thể không có tác động đáng kể đến khối lượng xuất khẩu của HPG
Nhu cầu của Trung Quốc cải thiện, được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại, giúp giá thép khu vực phục hồi tích cực trong ba tháng qua và trở nên ổn định hơn trong năm 2023 sau năm 2022 thực sự khó khăn. Tuy nhiên, giá thép khó quay trở lại xu hướng tăng do nhu cầu của Trung Quốc được kỳ vọng chỉ đạt mức phục hồi khiêm tốn với việc số lượng bán nhà giảm mạnh trong năm 2022, và việc mở cửa trở lại cũng sẽ làm tăng nguồn cung. Ngoài ra, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu của HPG có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
Từ những phân tích dựa trên kết quả kinh doanh, các chuyên gia ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG sẽ giảm 4,7% svck trong năm 2023 đạt 4,1 triệu tấn do sự chững lại thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô. Sản lượng HRC có thể giảm 12% đạt 2,3 triệu tấn so với mức đỉnh trong năm 2022. Kết hợp với sản lượng phôi thép là 240 nghìn tấn, giảm 17% svck, sản lượng thép thô trong năm 2023 dự kiến là 6,6 triệu tấn, tương đương với công suất hoạt động là 76% so với 85% trong năm 2022.
SSI cũng đưa ra giả định rằng giá thép xây dựng trung bình và giá thép HRC sẽ giảm lần lượt -2,8% và -17,7% ở mức 15,6 triệu đồng/tấn và 615 USD/tấn. Giá quặng sắt và than cốc đầu vào được giả định giảm -5% và -28% so với cùng kỳ lần lượt là 110 USD/tấn và 320 USD/tấn.
Doanh thu 2023 được dự báo sẽ giảm 14% đạt 121 nghìn tỷ đồng do cả sản lượng tiêu thụ và giá bán cho khách hàng đều giảm. Lợi nhuận ròng ước tính sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ đạt 9,7 nghìn tỷ đồng nhờ giá thép ổn định hơn và giảm ảnh hưởng từ hàng tồn kho giá cao.