Startup trà thảo dược hoà tan ra về tay trắng tại Shark Tank Việt Nam

Nam Khánh 09:01 | 29/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau màn đàm phán đầu tư bất thành với Shark Hùng Anh, người duy nhất đồng ý đầu tư, startup Hygie Panagee ra về 'tay trắng" dù muốn gọi 5 tỷ đồng để mở thêm nhà máy.

Mang đến tập 13 “Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ” thương hiệu trà thảo dược hoà tan từ các loại thảo dược Việt Nam Hygie Panagee, chị Đoàn Thị Hồng Thắm mong muốn kêu gọi 5 tỷ đồng để đổi lấy 10% công ty.  

 Chị Đoàn Thị Hồng Thắm, CEO và người sáng lập thương hiệu trà thảo dược hoà tan Hygie Panagee. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).  

Chị Thắm cho biết Hygie Panagee hiện đang sản xuất 11 loại trà hoà tan khác nhau, bao gồm một số loại trà như húng chanh trần bì giúp thanh giọng, giảm viêm họng, trà cà gai leo để giải độc han và trà gừng để giúp đường tiêu hoá khoẻ mạnh.

Xuất thân là một dược sỹ, chị Thắm cho biết các loại nông sản đều có dược tính. Đây là điều mà y học cổ truyền và y học hiện đại đều đã tìm được những bằng chứng khẳng định. Trong năm 2020, Hygie Panagee đạt doanh số 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh số năm 2021 tăng lên 2,8 tỷ. Trong quý I/2021, Hygie Panagee có doanh số 1,3 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, chị Thắm cho biết biên lợi nhuận của Hygie Panagee đang được cải thiện qua từng năm. Trong năm 2020 và 2021, tỷ lệ lợi nhuận lần lượt là 15% và 21%. Năm nay, Hygie Panagee đạt mục tiêu lợi nhuận 5 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận 30%.

Do công ty gia đời giữa thời điểm COVID-19 bùng phát, chị Thắm nói rằng kênh phân phối chủ yếu của Hygie Panagee là qua các sàn thương mại điện tử. Dù vậy, Hygie Panagee cũng đã xây được hệ thống nhà phân phối, đại lý trên toàn quốc. Hiện nay số lượng nhà phân phối, đại lý đạt khoảng 80 để có thể giao sản phẩm đến khách hàng nhanh nhất. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, doanh số qua kênh nhà phân phối, đại lý đã chiếm tỷ trọng tới 75%.

Chị Thắm chia sẻ hoa hồng Hygie Panagee chia cho các nhà phân phối, đại lý lên tới 20% đến 30%. Trong khi đó, phí trả cho các sàn TMĐT là khoảng 12% đến 13%. Hygie Panagee vẫn bán hàng cả qua fanpage và website công ty song các đơn hàng sau đó được chuyển về cho các đại lý phù hợp thực hiện.

Xét về giá thành sản phẩm, trà thảo dược hoà tan của Hygie Panagee có mức giá cao hơn so với trà túi lọc truyền thông. Chị Thắm cho biết nguyên nhân đến từ chi phí nghiên cứu, phát triển và chế biến cao hơn.

Shark Liên quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến dây chuyền sản xuất các loại trà thảo dược của Hygie Panagee có khác nhau không. Chị Thắm nói rằng Hygie Panagee chỉ có một dây chuyền song cách thiết lập chế độ cho mỗi loại trà là khác nhau. Shark Liên cũng khuyên Hygie Panagee nên bỏ từ “trà” khỏi tên sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn đối với những người yêu trà do bà cho rằng sản phẩm này không phù hợp để được gọi là trà.

Hygie Panagee hiện chỉ có 4 nhân viên chính thức. Chị Thắm chia sẻ mục tiêu trong tương lai của chị là nâng cấp công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn nhằm mục tiêu xuất khẩu. Hiện tại, Hygie Panagee đang nghiên cứu kênh xuất khẩu thông qua sàn TMĐT Amazon.

Shark Bình là người đầu tiên đưa ra quyết định không đầu tư với lý do đơn giản là ông không thích uống trà. Shark Hưng cũng có quyết định tương tự do hiện tại bản thân ông đã có một thương hiệu trà và ông không muốn mất tập trung khi đầu tư vào một startup hoạt động cùng lĩnh vực. Shark Erik và Shark Liên cũng không đầu tư.

Shark Hùng Anh thể hiện sự quan tâm với Hygie Panagee sau khi các nhà đầu tư đã rút hết khỏi bàn đàm phán. Dù vậy, Shark Hùng Anh mong muốn Hygie Panagee có cách phương án để cải thiện biên lợi nhuận đối với sản phẩm.

Đáp lại, chị Thắm cho biết cách tăng biên lợi nhuận là tăng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra các khó khăn và thách thức mới liên quan đến kênh phân phối. Chị Thắm khẳng định mong muốn gọi vốn do muốn mở rộng quy mô sản xuất bằng cách đầu tư 5 tỷ vào một nhà máy mới sẽ khởi công trong năm nay. Shark Hùng Anh đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng đổi lại 45% cổ phần.

Chị Thắm đề xuất số lượng cổ phần lớn nhất chị có thể chia sẻ là 15% cổ phần. Sau khi liên tục thay đổi đề nghị đầu tư giữa startup và Shark Hùng Anh, ông chốt lại đề nghị đầu tư ở mốc 5 tỷ cho 25% cổ phần. Đến đây, chị Thắm cũng khẳng định chỉ có thể chia sẻ được 20% cổ phần. Thương vụ không thành do 2 bên không tìm được tiếng nói chung.